Sau ngày 30/4/1975, nội chiến giữa văn hóa XHCN và văn hóa cổ truyền của Sài Gòn bắt đầu bằng trận chiến văn hóa trên giấy (chương 8) và trong âm thanh (chương 9).
Nội chiến văn hóa trên giấy tại miền Nam được diễn tiến qua 3 giai đoạn sau :
- Giai đoạn đầu : Hủy diệt kho vũ khí văn hóa của miền Nam tự do bằng « đốt sách bắt nho»,
- Giai đoạn qui luật văn hóa khởi động,
- Giai đoạn chiến thắng của văn hóa Sài Gòn xưa.
Trận địa trên giấy : Đốt sách bắt nho (1975-1986)
Khi nói đến đốt sách tàn bạo nhằm hủy diệt văn hóa, nhiều người nghĩ ngay đến thành ngữ : « Đốt sách chôn nho » (Phần thư, khanh nho 焚書坑儒) đời Tần Thủy Hoàng. Theo Sử Ký Tư Mã Thiên, thừa tướng Lý Tư của Tần Thủy Hoàng chủ trương đốt sách (kinh điển từ thời Chu Tử Bách Gia, thi, thư…) vào năm 213 TCN. Lý Tư tâu :« Thần xin cho đốt hết mọi sách vở, trừ sách vở của nhà Tấn. Sách vở nào không phải của quan bác sĩ được phép giữ mà trong thiên hạ cất giấu như Kinh Thi, Kinh Thư, cùng sách vở của trăm nhà đều phải đem cho quan thủ, quan ủy đốt đi »[1]. Lý-Tư tấu thêm: “Thần xin rằng sử sách không phải do Tần ghi chép đều bị đem đốt. Ngoại trừ quan chức không phải là tiến sĩ thì trong thiên hạ không ai được phép cất giữ Thi, Thư, sách của Bách gia, tất cả đều phải đem đốt. Nếu dám dùng những lời ngụ ngôn trong Thi, Thư thì chém bêu đầu ở chợ. Lấy xưa mà chê nay thì giết cả họ. Quan lại thấy mà không tố cáo sẽ bị coi là đồng phạm. Nay lệnh trong ba mươi ngày mà không đem đốt, sẽ bị xăm mặt và bắt đi xây dựng trường thành”.
Sau khi tra xét các nhà nho, lọc ra 460 người phạm cấm mà đem chôn sống tất cả ở Hàm Dương năm 210 TCN.
ĐỐT SÁCH, CHÔN NHO là hành vi được người đời sau coi là tàn bạo nhất của Tần Thủy Hoàng. Đó cũng là tội danh mà hàng ngàn năm sau vẫn còn được người Hán và cả nhân loại lên án!
Trên đất Việt, tội ác đốt sách đã sảy ra 3 lần :
- Dưới thời nhà Minh vào thế kỷ 15,
- Năm 1955 tại miền Bắc,
- Sau ngày 30/4/1975 tại miền Nam.
Đốt sách lần thứ nhất
Đầu thế kỷ 15, chính sách đốt sách đầu tiên và bắt người tài[2]về Tàu sảy ra trong lịch sử Việt Nam sau khi Minh Thành Tổ chỉ dụ Chu Năng và Trương Phụ ngày 21/8/1406: « Một khi binh lính đã vào nước Nam, thì hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến các loại ca lí dân gian, các sách dạy trẻ nhỏ, một mảnh một chữ phải đốt hết khắp trong nước, các bia do Annam dựng thì phải phả hủy tất cả, một chữ chớ để sót lại »[3]. « Tháng 7 năm Mậu Tuất (1418), nhà Minh còn sai tiến sĩ Hạ Thì và hành nhân Hạ Thanh sang tìm tòi và thu lượm tất cả những sách chép về lịch sử và sự tích xưa nay do người Việt viết »[4].
Đốt sách lần thứ hai
Tại miền Bắc, ngay sau khi tiếp quản Hà-Nội, việc kiểm duyệt sách báo, bài viết trước khi đem phổ biến ra công chúng đã được thực hiện ngay từ năm 1955. Đối với các loại sách báo đã in ra từ trước 1954 dưới thời Pháp thuộc cũng đều bị đốt!
Hồi-Ký của Một người Hà-Nội ghi lại đốt sách: “Số học sinh lớp chín vào lớp không phải để học, mà là tổ chức hội đoàn, nhận chỉ thị của thành đoàn rồi phát động phong trào chống văn hóa nô dịch. Họ truy lùng… ĐỐT SÁCH! Tôi đã phải nhồi nhét đầy ba bao tải, Hiệu-Đoàn ‘kiểm tra’, lục lọi, từ quyển vở chép thơ, nhạc, đến tiểu thuyết và sách quý, mang tập trung tại thư viện phố Tràng-Thi, để đốt. Lửa cháy bập bùng mấy ngày, trong niềm ‘phấn khởi’, lời hô khẩu hiệu ‘quyết tâm …”.
Đốt sách lần thứ ba
Việc « đốt sách bắt nho » lần thứ ba ở Việt Nam sảy ra sau ngày 30-4-1975 khi nhà Nước thực hiện chiến dịch « bài trừ văn hóa đồi trụy, phản động » bằng huy động thanh niên, học sinh, mang xe ba gác đi từng nhà lục soát sách mang đi đốt. Cuộc « phần thư » được cả hệ thống tuyên truyền và báo chí Nhà Nước cổ võ. Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 25/5/1975 tường thuật : “Ngày 23-5-1975, trên nhiều đường phố Sài Gòn, “khí thế ra quân” của chiến dịch vô cùng sôi nổi: “Đoàn thanh niên nam nữ đi qua các đường phố và hô to nhiều khẩu hiệu đả đảo văn hoá ngoại lai đồi truỵ mất gốc phản động. Đi đầu là xe phóng thanh với một biểu ngữ dài có ghi: ‘Đội thanh niên sinh viên học sinh xung kích bài trừ văn hoá dâm ô phản động’. Theo sau là sinh viên, học sinh sắp hàng bảy, hàng tám xuất phát từ trụ sở của lực lượng thanh niên tự vệ Thành phố, số 4 Duy Tân. Đoàn diễn hành kéo dài có đến hàng cây số đường, tất cả mọi người đều có một tấm biểu ngữ trên tay”.
Ngay sau cuộc tuần hành trên đường phố của hàng chục ngàn thanh niên vệ binh, “đồng bào và các tiệm sách đã đem nộp cho đội Quận 7 một số lượng sách báo đồi trụy phản động, tất cả là mười ba xe ba gác. Ngoài ra các hàng sách bày bán trên hai lề đường Lê Lợi, Công Lý cũng tự nguyện dọn sạch và đem nộp. Trên đường Hai Bà Trưng cũng có ba nhà sách tự động đem nộp trên hai mươi cuốn. Đặc biệt, cùng ngày này, 22-5-1975, nhà sách Phúc Bài, 186 Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn 3 đã tự nguyện đem nộp cho Hội Bài trừ Văn hoá đồi truỵ phản động bốn ngàn cuốn sách các loại”.
Sách nào bị đốt trong đợt thứ nhất? tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của bộ Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, cả những bộ Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm… in ở trong Nam cũng bị đốt, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kỹ thuật, các từ điển thôi.
Lần đốt sách thứ nhì năm 1978 theo đúng chỉ thị “ba hủy », chỉ được giữ những sách khoa học tự nhiên, còn bao nhiêu phải hủy hết, vì nếu không phải là loại phản động (một hủy), thì cũng là đồi trụy[5], không phải phản động, đồi trụy thì cũng là lạc hậu (ba hủy), và mỗi nhà chỉ còn giữ được vài cuốn, nhiều lắm là vài mươi cuốn từ điển, toán, vật lý.
Về văn nghệ thì tất cả các bản nhạc in hoặc thu vào băng nhựa, nếu không phải loại nhạc lai căn (lai nhạc Tàu) từ nhóm văn công miền Bắc mang vào, đều được liệt vào loại “nhạc vàng của đế quốc Mỹ và tay sai”, cấm lưu hành, xé đốt, hủy bỏ, ai lưu giữ sẽ có tội. Các kịch bản hay các vở tuồng cải lương, hát bộ v.v… cũng phải được duyệt xếp loại lại.
Chiếm được Sài Gòn, việc cấp thiết nhất là niêm phong, tịch thu sách tại các thư viện, các nhà sách lớn (Khai Trí, Sống Mới, Nam Cường…). Các cấp chính quyền từ phường đến thành phố ra chỉ thị tập trung tất cả các loại sách vở từ tiểu thuyết, tạp chí đến biên khảo để hỏa thiêu[6]. Có hai cách để hủy thay vì đốt : bán ký cho các nhà máy sản xuất giấy[7], bán lại cho những người bán sách vỉa hè. Việc đốt sách vào cuối tháng 5-1975 đáng được liệt kê vào lịch sử đốt sách trên thế giới[8] và tiêu diệt trí thức để độc quyền tư tưởng, độc quyền ngôn luận.
Tháng 10-75, trên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng nhiều kỳ Bảng Kê Tên Các Loại sách của 56 tác giả bị cấm lưu hành. Tiếp theo là bắt đi tù các tinh hoa văn hóa ở miền Nam là nhằm hủy diệt cái linh hồn của Sài Gòn, cái linh hồn đó là văn hóa tự do dân chủ, là văn hóa của sự sáng tạo, phát triển tự nhiên theo khuynh hướng dân tộc, nhân bản và khai phóng.
Sau việc « đốt sách bắt nho » thì công việc tiếp theo là áp đặt văn hóa vô sản lên Sài Gòn bằng cách:
- Bắt giới sáng tạo văn hóa (văn, nghệ sĩ…) đi tù dưới hình thức đi cải tạo[9],
- Dẹp tự do báo chí, ấn loát…
- Kiểm soát hộ khẩu, công an trị,
- Nhân dân đi học tập chính trị, học hát ca tụng Bác, Đảng…
Tất cả khí cụ đó được du nhập từ miền Bắc vào nhằm chuyển đổi văn hóa Sài Gòn sang văn hóa XHCN.
Năm nay đào lại nở
Không thấy sách báo xưa
Ngọn lửa nào năm cũ
Lạc về đâu bây giờ?
Nguyễn Ngọc Chính
Qui luật văn hóa khởi động
Ngay cả những lúc bị đánh phá tơi bời ở miền Nam, sách truyện, báo chí miền Nam tràn ra miền Bắc. Cảnh nhân dân miền Bắc của bên « thắng cuộc » say mê đọc sách, nghe nhạc của miền Nam “thua cuộc” làm sống lại biến cố lịch sử khi quân Mông Cổ rồi quân Mãn Thanh thắng trận quân sự nhưng lại bị đồng hóa với văn hóa của kẻ bại trận. Đó là trường hợp kẻ chiến thắng trở thành kẻ bại trận về văn hóa theo « Qui luật đồng hóa » có nghĩa khi có sự cộng lưu văn hóa thì nền văn hóa thấp sẽ bị đồng hóa với nền văn hóa cao.
Sau một thời gian cưỡng bức kèm theo khủng hoảng kinh tế, là thời Đổi Mới[10] vì nhận thấy sự cưỡng bức đồng hóa với văn hóa XHCN không còn hiệu quả như trước bởi những lý do sau :
- Văn hóa XHCN không có sức hấp dẫn, không có giá trị nghệ thuật cao để có thể thay thế văn hóa miền Nam,
- Khí giới kiểm soát cũ như kiểm soát hộ khẩu, bao cấp, bỏ đói, công an kìm kẹp không còn hiệu nghiệm nữa,
- Trong thời đại toàn cầu hóa với mức vận tốc của truyền thông điện tử, dù cấm báo chí, dù kiểm duyệt xuất bản, người dân vẫn tiếp xúc được với thế giới tự do,
- Trong thời hòa bình và kinh tế thị trường, văn hóa đô thị công nghiệp, tự do dân chủ …thích hợp với đời sống nhân dân.
Vì những lý do trên mà sự cưỡng bách văn hóa xã hội chủ nghĩa lên dân Việt đã thất bại và tạo nên một khoảng trống văn hóa. Từ cái khoảng trống này mà văn hóa cổ truyền hồi sinh tại nông thôn miền Bắc và văn hóa Sài Gòn xưa (áo dài, văn học, âm nhạc…) nổi dậy như cuồng phong thổi trên khắp các thành thị. Trận cuồng phong văn hóa biểu hiệu :
- Sự bất lực của nhà Nước cộng sản trước sự đồng hóa văn hóa ngược lại : kẻ thắng cuộc (văn hóa lạc hậu) bị kẻ thua cuộc (văn hóa tân tiến) đồng hóa về văn hóa;
- Sài Gòn đã chiến thắng trên mặt trận văn hóa.
Chiến thắng văn hóa của Sài Gòn
Ngày nay mà về Sài Gòn chúng ta sẽ chứng kiến cảnh « Nhất ba tải động, vạn ba tùy », nghĩa là một cơn sóng tư tưởng Sài Gòn xưa trổi dậy kéo theo cả vạn ngọn sóng khác nổi lên, nào là áo dài trở lại ngôi vị xưa, nào là sách cũ xưa bày bán tự do khắp nơi, nào là tiếng nhạc của « kẻ thua cuộc » vang dội trong phòng trà, quán cà phê …
Thời kỳ văn hóa Sài Gòn phục hồi được đánh dấu bằng hai sự kiện văn học đáng được chú như sau :
- Sự có mặt của nhiều văn thi sĩ xưa tại Sài Gòn,
- Sách truyện in trước năm 1975 được bày bán tại nhiều tiệm sách cũ và con đường văn hóa đọc tại Sài Gòn.
Người lính văn hóa trở về
Khi ngay trên con đường bán sách Nguyễn văn Bình ở trung tâm quận nhất bày bán tự do trở lại sách Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Lê Tất Điểu…
Khi các văn thi sĩ của Sài Gòn xưa kia như thi sĩ Du Tử Lê, nhà văn Phan Nhật Nam, cựu đại úy sư đoàn Dù được nhà văn Huy Thịnh mời về Hà Nội họp với Hội Nhà Văn Hà Nội (nhưng không nhận lời về) .
Chỉ mấy điều này thôi cũng đủ nói nên văn học của Sài Gòn xưa đã phục hồi và đang như từng đợt sóng vỡ bờ tuôn chảy vào đầu óc dân Việt và tiếp tục sẽ chảy mãi không ngừng . Những ngọn sóng này đã trở thành chính thức với sự xây dựng các đường « văn hóa đọc » trong các thành phố lớn.
Hiện tượng trở về được giải thích bởi Trần Doãn Nho[11]qua trích dẫn các báo chính thức của đảng công sản (báo Nhân Dân) và các bài phỏng vấn vài nhà văn hóa tại quốc nội.
“Từ chỗ bị phê phán gay gắt, bị loại bỏ, cấm phổ biến, văn học miền Nam dần dần đã được coi là một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam, được xuất bản và nghiên cứu nghiêm túc. Nhiều tác giả (nhà văn, nhà phê bình) miền nam xuất hiện trở lại trong đời sống văn học đương đại, nhiều tác phẩm (sáng tác, nghiên cứu, phê bình, văn học sử) được in lại và được bạn đọc ghi nhận”. (Báo Nhân Dân[12])
“Sự tiếp xúc với Văn học miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho không ít tác giả của nền văn học “chính thống” miền Bắc. Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân của nó đã dần dần “tẩy rửa” thói quen “tự kiểm duyệt” và “phục vụ chính trị”, giáo điều “hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Nhà thơ Hoàng Hưng tại quốc nội trả lời Phỏng Vấn của Diễn Đàn Thế Kỷ)
Con đường « văn hóa đọc » của Sài Gòn
Sau gần 3 tháng thi công ngày 09.01.2016, Đường Sách Nguyễn Văn Bình chính thức được khai trương[13]. Chỉ với con đường nhỏ chiều dài 144 m, lòng đường 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, với thiết kế một bên là 20 gian hàng sách, một bên là café sách và khu triển lãm. Hai đầu Đường Sách là tấm bảng hiệu và bức tượng điêu khắc Cô Gái bên trang sách và Suy ngẫm nơi cuối Đường Sách tiếp giáp với đường Hai Bà Trưng – hai tác phẩm được tuyển chọn từ Trại điêu khắc quốc tế TP.HCM. Tấm bảng hiệu uy nghi cao hơn đầu người với hàng chữ: “Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi.”[sic]Tác giả câu nói ấy được ghi là của Mahatma Gandhi nhưng thực ra là câu viết của nhà văn Ray Douglas Bradbury [14].
Sanh hoạt của Đường Sách : Từ lên án đến thừa nhận
Tìm đâu mua được sách cũ in dưới thời Việt Nam Cộng Hòa? Bạn chỉ cần đến Con đường sách Nguyễn văn Bình tại Quận 1. Thí dụ tại Quán Sách Mùa Thu ghi dòng chữ “Về lại chốn thư hiên”, nơi có thể tìm hoặc đặt mua những cuốn sách cũ qúa hiếm “tàn dư văn hoá Mỹ Nguỵ”. Ngoài ra, con đường sách có những hoạt động như :
Tuần lễ triển lãm áo dài, tuần lễ Trịnh Công Sơn, triển lãm tranh ảnh, điêu khắc,
Hò hẹn của bạn văn, giao lưu giữa tác giả và độc giả,
Nơi ra mắt sách của các tác giả trong và ngoài nước.
Triển lãm sách cũ (trước 1975) của các nhà sưu tầm.
Ngày 05.11.2016, nhà sử học TS Nguyễn Duy Chính [giữa] từ Mỹ về cũng ra mắt ký tặng bộ sách đồ sộ 10 cuốn nghiên cứu về thời Tây Sơn và quan hệ với triều đại nhà Thanh tại Quán sách NXB Văn Hoá VănVăn Nghệ
Nhà văn Nguyễn Thị Thuỵ Vũ sau ngót nửa thế kỷ sống ẩn dật, nay ở tuổi 80 đã có mặt trên Đường Sách ngày 19.03.2017 để ra mắt một loạt 10 tác phẩm của bà mới được NXB Phương Nam tái bản.
GS Larry Berman, từ Đại học UC Davis, ra mắt cuốn The Perfect Spy / Điệp Viên Hoàn Hảo mà ông là tác giả tại gian hàng First News trên Đường Sách, ngày 23.01.2016 [nguồn: ảnh BTC báo Thanh Niên].
Hội Đồng Anh/British Council cũng đã chọn Đường Sách để tổ chức hoạt động tưởng niệm 400 năm (1616-2016) ngày văn hào William Shakespeare qua đời.
Năm 2020, tác phẩm của Nguyễn Tường Thiết, “Nhất Linh, Cha Tôi” dựng lại cuộc đời và sự nghiệp của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, được nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam tái bản.
Ngày 24 Tháng Tư, 2021, một buổi mạn đàm về thơ Tô Thùy Yên, “Thơ Tô Thùy Yên – Để Mà Thương Nhớ Thơ,” diễn ra tại quán Cà Phê Thứ Bảy, Sài Gòn, với diễn giả chính là Nhật Chiêu.
“Căn Nhà An Đông Của Mẹ Tôi”của Nguyễn Tường Thiết, con trai út của nhà văn Nhất Linh, dựng lại hình ảnh người vợ của văn hào Nhất Linh, được nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản vào Tháng Hai, 2021.
Lịch sử văn hóa thế giới đã chứng minh trong văn học thành văn, mọi sáng tác tự bản thân nó có giá trị nghệ thuật, tư tưởng nhân bản, tự do, không lệ thuộc chính trị đương thời, đều có thể bị các chế độ chính trị độc tài như thời Tần Thủy Hoàng đốt phá phần hữu hình nhưng không thể hủy diệt được phần vô hình là tư tưởng của đầu óc và tiếng nói của con tim. Từ nguyên lý này mà văn học miền Nam đã sống lại sau khi bị đốt, cấm, lên án sau ngày 30/4 và làm cho chúng ta nhớ lại câu thơ của Đỗ Phủ:
“Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri”
(Văn chương là sự nghiệp muôn đời/ Được hay mất chỉ tấc lòng biết thôi)
—
[1] Một thí dụ về hậu quả của đốt sách :Thời Đông Chu, Trung Quốc bị chia thành nhiều nước chư hầu, văn học đua nhau ra đời từ thế kỷ 6 đến TK 3, tr. CN, Lão học, Khổng học, Mạc học, Mạnh Tử Tuân Tử Dương Chu … đưa văn hóa đền đỉnh cao của thế giới. Vậy mà tại sao 2000 năm sau không có vị thánh hiền nào cả? Lý do : Lý Tư môn đệ phái pháp gia làm sớ tâu lên Tần Thủy Hoàng cho đốt hết sách vở có phương hại đến đường lối của Tần triều, chôn sống 450 nhà trí thức đối lập thế là : « Trăm hoa hết đua nở, trăm nhà đều đều im tiếng »
[2] Bị bắt về Tàu có Hồ Nguyên Trừng biết cách đúc súng thần công, Nguyễn An thiết kế xây Tử Cấm Thành tại Bắc Kinh
[3] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB TP HCM, 1996, tr. 485
[4] Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam-Tìm tòi và suy nghĩ, NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 1999, tr. 755
[5] Văn hóa đồi trụy” được định nghĩa là tất cả những ấn phẩm thuộc mọi lãnh vực chánh trị, kinh tế, lịch sử (nhất là lịch sử), giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa, văn nghệ, phim, ảnh. v.v… đang được lưu hành và xử dụng tại Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 30/4/1975 trở về trước, được in, chép hay thu vào băng nhựa, bằng tiếng Việt Nam hay bất cứ loại sinh ngữ ngoại quốc nào (trừ chữ Tàu và chữ Nga).
[6] Đốt sách cũng đã diễn ra tại Hà Nội năm 1954, học sinh được thành đoàn ra lệnh nộp sách nhà mình và đi truy lùng « bắt sách » của bà con, hàng xóm tập trung tại phố Tràng Thi rồi đốt.
[7] Báo SGGP 1-7-75, tư liệu của Thư Quán Bản Thảo
[8] Một thí dụ về hậu quả của đốt sách :Thời Đông Chu, Trung Quốc bị chia thành nhiều nước chư hầu, văn học đua nhau ra đời từ thế kỷ 6 đến TK 3, tr. CN, Lão học, Khổng học, Mạc học, Mạnh Tử Tuân Tử Dương Chu … đưa văn hóa đền đỉnh cao của thế giới. Vậy mà tại sao 2000 năm sau không có vị thánh hiền nào cả? Lý do : Lý Tư môn đệ phái pháp gia làm sớ tâu lên Tần Thủy Hoàng cho đốt hết sách vở có phương hại đến đường lối của Tần triều, chôn sống 450 nhà trí thức đối lập thế là :
« Trăm hoa hết đua nở, trăm nhà đều đều im tiếng »
[9] Chết trong tù như thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn; bị tù như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, văn sĩ Dương Nghiễm Mậu, Duyên Anh…
[10] Đổi mới trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam được biết dưới tên Cởi Mở, tương tự như chính sách Glastnost của Liên Xô. internet đã phá vỡ tình trạng độc quyền thông tin của nhà Nước
[11] Trần Doãn Nho, Việt Nam Cộng hòa lừng lững đi vào lòng đất nước
[12] https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/item/30680502-ung-xu-voi-van-hoc-mien-nam-truoc-1975.html
[13] Các đường sách cũ : Tràn Nhân Tôn (Q.5), Trần Huy Liệu (Q. Phú Nhuận), Nguyễn thị Minh Khai (gần ngã 7 Lê Thái Tổ), Dự án đường sách thứ hai tại quận 7 trên đường Nguyễn Đổng Chi,đường sách Vũng Tàu, Cần Thơ, Phố sách Hà Nội
[14] “The problem in our country isn’t with books being banned, but with people no longer reading. Look at the magazines, the newspapers around us – it’s all junk, all trash, titbits of news. The average TV ad has 120 images a minute. Everything just falls off your mind… You don’t have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them.”