Thăng Long-Hà Nội là kinh đô truyền quốc của người Việt từ hồi Bắc thuộc. Tùy theo thăng trầm của lịch sử, địa danh Thăng Long-Hà Nội[2] thay đổi nhiều lần[3] và ghi lại những trang sử bi hùng tráng của dân Việt:
Mấy tòa sen héo, hơi hương ngự,
Năm thức mây phong nếp áo chầu.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La大羅[4], Thăng Long昇龍[5] là trung tâm sáng tạo nên văn hóa Đại Việt tức văn hóa truyền thống của người Việt hiện nay. Nền văn hóa này còn in đậm dấu vết đặc thù của hỗn dung, hợp lưu, đồng hóa văn hóa trong bối cảnh văn hóa Viễn Đông, thí dụ như:
- Cây nêu phản ánh cộng lưu văn hóa tín ngưỡng của Thăng Long
- Ý nghĩa chữ Tết là dấu ấn hợp lưu văn hóa Đông Nam Á và Viễn Đông,
- Bàn thờ gia tiên đượm mùi nhang đồng hóa văn hóa tín ngưỡng Viễn Đông,
- Cơm Tết tỏa hương thơm trên đỉnh cao văn hóa ẩm thực.
Đó là các điểm văn hóa đặc thù của Thăng Long sẽ được trình bày chi tiết sau khi giới thiệu sơ qua những điểm nổi trội của văn hiến, văn vật Thăng Long như Tứ Trấn, ngàn năm văn vật, giáo dục thi cử…
Trung tâm chính trị, hành chánh
Văn hiến chi bang
Suốt chiều dài lịch sử, từ nhà Lý đến cuối đời Lê, Thăng Long đã xây dựng một « văn hiến chi bang[6] » bằng:
- Kiến thiết đền đài, kinh thành, văn miếu, ban hành luật pháp…
- Tiếp thu văn hóa Trung Hoa khiến Lê Qui Đôn viết :« bất dị Trung Quốc » « vô tốn Trung Quốc » (không khác không thua Trung Quốc)
- Tập trung văn vật của nước tạo nên một phong cách sống, thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam không chỉ ở « núi sông bờ cõi đã chia » mà còn ở « Phong tục Bắc Nam cũng khác ». Nhờ vậy mà nước Đại Việt xưng là « văn hiến chi bang » như Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại Cáo.
Như nước Đại Việt ta,
Thật là một nước văn hiến.
(Duy ngã Đại Việt chi quốc
thực vi văn hiến chi bang.)
Về tổ chức hành chánh, quân sự, điểm nổi bật của Thăng Long là Tứ trấn. Ngày xưa, muốn đi vào hoàng thành Thăng Long thì người dân đi qua 5 cửa ô chính là cửa ô Đông Mác, Cầu Dền, Cầu Giấy, Chợ Dừa và ô Quan Chưởng.
Thăng Long được bảo vệ bởi hai vòng đai : Tứ trấn tâm linh và tứ trấn quân sự.
Vòng đai Tứ Trấn tâm linh (Thăng Long tứ trấn)[7]
Vòng đai được xây dựng từ thời nhà Lý (1010) là bốn ngôi đền thờ 4 võ tướng bảo vệ 4 cửa ngõ kinh thành :
Trấn đông là đền Bạch Mã (Bạch Mã tối linh từ) thờ thần Long Đỗ,
Trấn Tây là đền Voi Phục thờ thần Linh Lang Đại Vương,
Trấn Nam là đền Kim Liên “Kim Liên từ” thờ thần Cao Sơn,
Trấn Bắc là đền Quan Thánh có tử đời Lý Thái Tổ (1010-1028) thờ thần Huyền Sơn Trấn Vũ. Bốn đền tạo nên một cảnh quan văn hóa tín ngưỡng của Thăng Long.
Vòng đai Tứ Trấn quân sự (nội trấn)
Vòng đai gồm bốn trấn quân sự bảo vệ bốn phía Kinh thành : Kinh Bắc (bắc), Sơn Nam (nam), Hải Dương (đông), Sơn Tây (tây)[8].
Trung tâm văn hóa
Kể từ 1010, khi Thăng Long trở thành kinh đô của Đại Việt thì nhiều thiên tài và nhân tài, từ mọi miền đã tập hợp về đây để lập ra trung tâm văn hóa Đại Việt tập trung các sinh hoạt văn hóa được tóm tắt bởi bốn K: Kết tụ, Kết tinh, Kết giao, Khai tỏa.
Thăng Long là nơi « kết tụ » các văn vật trong nước và nơi « Kết tinh » các sắc thái văn hóa bản địa và du nhập. Thí dụ kết tinh trong văn hóa ẩm thực bản địa, người Hà Nội tiếp nhận thực phẩm tươi ngon, các món ăn nổi tiếng từ Tứ Trấn mang đến rồi người Hà Nội biết chọn lọc, thưởng thức hoặc chế biến lại để trở thành món ăn của Hà Nội.
Với vai trò là trung tâm văn hóa trung ương lớn giữa cả ngàn trung tâm văn hóa nhỏ (chùa, đình) của làng xã, Thăng Long vừa sáng tạo văn hóa Việt vừa « Kết giao » với văn hóa của vùng Viễn Đông như Kinh dịch, Tam Giáo, triết lý, văn học, nghệ thuật Trung Hoa… để đặt nền tảng cho một nước Việt văn hiến.
Với vị thế kinh đô và vai trò kết tụ các văn vật của đất nước, Thăng Long tạo nên một nếp sống văn hóa trong phong cách đời sống của dân Việt rồi « Khai tỏa » từ cái cực đó ra khắp nơi. Nhờ vậy mà Thăng Long đã xây dựng nên một nước Việt Nam văn hiến và một mảnh đất « Ngàn năm văn vật » làm nơi phát triển văn hóa Việt và đại diện cho văn hóa toàn quốc.
Ngàn năm văn vật
Một ngàn năm văn vật của Thăng Long kể từ khi :
- Cố đô Cổ Loa thời Âu Lạc, trị sở Tống Bình thành Đại La thời tiền Thăng Long,
- Định đô Thăng Long của vua Lý Thái Tổ rồi Thăng Long-Đông Đô-Đông Kinh-Kẻ Chợ từ thời Lý đến Lê trung hưng,
- Hà Nội thời Nguyễn.
Với chiều dày lịch sử cả ngàn năm, Thăng Long trở thành đất ngàn năm văn vật[9], nơi ngưng tụ vượng khí của đất nước tức là nơi tập họp nhân tài, có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa tạo nên một nếp sống thanh cao về văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ, xã giao, ăn mặc, ẩm thực… Văn vật là những ai?
- Là quan lại, trí thức, tao nhân mặc khách, với những bản “thiên cổ hùng văn” của Lý Thường Kiệt (Nam Quốc Sơn Hà), Trần Hưng Đạo (Hịch Tướng Sĩ), Nguyễn Trãi (Đại Cáo Bình Ngô), với những áng thi văn bất hủ của Đặng Trần Côn (Chinh Phụ ngâm), Nguyễn Gia Thiều (Cung Oán), Nguyễn Du (Kiều), bà Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, rồi Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Siêu, Phạm Đình Hổ, Cao Bá Quát, sư Vạn Hạnh, Trần Thái Tông, Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Ngô Thì Nhậm, Lãn Ông, Tú Xương, Tản Đà, Nhất Linh, Khái Hưng…
- Là các nghệ sĩ ca múa soạn ra những vở chèo, vở tuồng, tiết mục múa rối, chuyện tích dân gian, thợ thủ công tài ba, thương nhân buôn bán, thợ kiến trúc, điêu khắc tài ba, đặc biệt là ca trù được UNESCO công nhận ngày 1-10-2009 là di sản văn hóa phi vật chất của nhân loại.
Kiến trúc
Ngay khi định đô tại Thăng Long[10], nhà Lý đã cho xây Hoàng Thành với cửa Đại Hưng, cửa Nam của thành Thăng Long làm lối ra vào của vua quan, trước cửa có dựng đình Quảng Văn (Trăng Đẹp) làm nơi nghênh xuân[11] của các vua nhà Lý.
Tháp Hòa Phong (Gió Thuận Hòa) ở đông nam hồ Hoàn Kiếm, di tích còn sót lại của chùa Báo Ân. Tháp có 3 tầng, tầng 1 có 4 cửa vòm nên gọi là Tứ Môn Pháp (Bốn Phép Tắc); tầng 2 trên mỗi cửa vòm có ghi Báo Ân môn, Báo Nghĩa môn, Báo Đức môn, Báo Phúc môn.
Kiến trúc độc đáo là Chùa Một Cột được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào năm 1049. Chùa Một Cột có tên Liên Hoa Đài (蓮花臺) có tức là Đài Hoa nằm trong quần thể kiến trúc Chùa Diên Hựu (延祐寺) (Phúc lành dài lâu) xây năm 1049.
Khuê Văn Các[12], Cầu Thê Húc [13] trên hồ Hoàn Kiếm.
Về kinh tế, Thăng Long còn gọi là Kẻ Chợ vì là nơi kết tụ của nhiều luồng thương mại nên nhiều trung tâm thủ công nghiệp nổi tiếng xuất hiện, chia làm 36 phố, 36 nghè, mỗi phố là một cái chợ có cửa cổng ở trên có lầu canh gác. 36 phố phường có một điểm chung là Văn Hóa làng, mỗi phố một Đình thờ tổ nghề.
Phố ngoài bọc kín thành trong,
Cửa Nam, Giam, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.
Thi cử, văn học, luật pháp…
Năm 1070, vua Lý Thánh Tông dựng Văn miếu, mở Khâm thiên giám, Quốc tử giám (1076), mở khoa thi đầu tiên, rồi đặt phép khoa thi cứ ba năm một kỳ, lấy trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.
Văn học nhữ nôm với Hàn Thuyên nhưng biểu chương, công văn vẫn dùng chữ hán.
Thời Trần định lệ thi hương, thi hội, thi đình, sách vở tứ thư ngũ kinh.
Đời Lê trọng nho giáo nên chế độ đào tạo nho sĩ có qui củ, năm 1483 Lê Thánh Tông ban hành luật Hồng Đức thi hành cho đến cuối thế kỷ XVIII, lập hội Tao Đàn, văn hóa chữ nôm phát triển như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.
Văn hóa ẩm thực
Thăng Long nổi tiếng ăn ngon với câu ca tụng « Ăn Bắc mặc Kinh[14] » được các văn nghệ sĩ Nguyễn Tuân, Vũ Bằng mô tả như chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì[15], cốm làng Vòng (Hà Nội)[16], thơm ngon đặc biệt phở Hà Nội[17] …
Kẻ Chợ là nơi tập trung truyền thống ẩm thực từ nhiều địa phương đem tới nên dân Hà Nội theo « gu » của tầng lớp quí tộc, trí thức có nhiều lựa chọn luôn luôn được nuôi nấng bởi cái gu dân dã, chịu ảnh hưởng của nhiều triều đại vua. Nhiều phường chuyên về cung cấp ẩm thực như Hàng Gạo, Hàng Bột, Hàng Cá, Hàng Giò, Hàng Bún…cung cấp hàng quà như bánh cốm Hàng Than, bánh giò Đờ Măng (Phùng Hưng). Một số sản phẩm khác đem từ nông thôn ra : bánh cuốn Thanh Trì (Hà Đông), cốm vòng, bánh đậu (Hải Dương, Hưng Yên), vải Thiểu (Thanh Hà, Hải Hưng là quà « tiến » lên vua), cam Bố Hạ (Phú Thọ)…
Tóm lại, không gian văn hóa, ngôn ngữ (tiếng Hà Nội), lối sống kiểu cách thanh tao (thanh lịch Tràng An), cảnh vẻ, kén chọn và hành vi xã hội là các khuôn triện đóng dấu bản sắc văn hóa. Chiều dày lịch sử cả ngàn năm của trung tâm văn hóa Thăng Long đã được một tác giả Pháp De la Liraye tóm tắt như sau năm 1877 : « Bien que Ke Cho[18] ne soit plus la résidence royale, c’est encore la première ville du royaume, pour les arts, l’industrie, le commerce, la richesse, la population, le savoir vivre et les études…C’est là que viennent les hommes de lettres… »
Đồng xanh sông Nhị chạy dài
Mây quang non Tản chiếu ngời Thăng Long.
Lạp chúc Nguyễn Huy
—
[1] 古時明月照新城,
猶是昇龍舊帝京。
衢巷四開迷舊跡,
管弦一變雜新聲
Thành mới trăng xưa bóng nguyệt hồng,
Thăng Long kinh đô tự thuở giờ.
Đường xá ngổn ngang nhòa lối cũ,
Sáo đàn thay đổi nhịp trúc tơ!
– Nguyễn Du
[2] Hà Nội nghĩa là trong sông, nằm giữa sông Hồng và sông Đáy
[3] Long Biên vảo thời nhà Hán, là trị sở của Giao Châu, Long Đỗ thời nhà Đường,Tống Bình (thế kỷ VI), Đại La Thành (năm 767) làm trị sở An Nam đô hộ phủ từ năm 679, Thăng Long sau khi Lý Thái Tổ dời đô về thành Đại La trên đất Tống Bình, Đông Kinh đời nhà Lê vì Thanh Hóa có Tây Đô, Đông Quan thời nhà Minh xâm lăng, Bắc Thành thời vua Gia Long, Hà Nội năm 1831 thời vua Minh Mạng
[4] Tờ chiếu giải thích dời đô năm 1010: “Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, đặt đúng giữa Nam Bắc Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật rất mực phong phú tốt tươi, xem khắp nước Việt chỗ ấy là nơi hơn cả. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà đóng đô, các khanh nghĩ thế nào? “.
[5] Hình ảnh thành thị xưa như Thăng Long gồm 2 phần : Thành là nơi các quan, binh lính ở có thành lũy chung quanh; thị là nơi nhân dân tụ tập làm ăn coi như cái chợ
[6] Văn hiến là khái niệm của phương Đông. Theo Từ điển Thiều Chửu văn hiến 文獻 là sách vở văn chương của một đời nào hay của một người hiền nào còn lại để cho người xem mà biết được chuyện cũ. Khi nói « Nước Việt ta có 4000 năm văn hiến » có nghĩa từ 4000 năm, nước Việt ta có phép tắc, phong tục tập quán đẹp, có người hiền, tài đức… còn để lại cho người sau biết được chuyện cũ. Văn hiến thường được dịch là culture (có nghĩa bao gồm văn minh và văn hóa) hoặc là culture and institutions
[7] Thăng Long còn có Tứ Quán thờ thần linh thuộc Đạo Lão : quán Trấn Vũ (tức đền Trấn Vũ), quán Huyền Thiên, quán Đồng Thiên, quán Đế Thích
[8] Người xưa thường gọi : xứ Đoài (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây), xứ Đông (Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng). Xứ Nam (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), xứ Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang). Năm 1490, bản đồ cả nước gồm 13 xứ thừa tuyên sau đổi thành trấn
[9] Văn vật 文物, Văn文 là vẻ đẹp, vật 物 chỉ người. Khi nói « Thăng Long ngàn năm văn vật » ý muốn nói từ ngàn năm nay, Thăng Long là nơi tụ hội nhiều người tài giỏi, vua quan, tao nhân mặc khách…
[10] Theo phong thủy, Thăng Long là đầu rồng, vùng Sơn Nam và Hà đông là đuôi rồng, Thanh Hóa là ổ rồng. Vì thiếu điều kiện phong thủy, đắp thêm gò đống đặt là Tam Sơn, Khán Sơn, Thái Hòa để ăn nhịp với nguồn nước Nhị hà.
[11] Hiện nay chỉ còn dấu tích xưa là những tên phố : Đình Ngang (nơi xét giấy tờ, thẻ bài trước khi vào Hoàng Thành), Cấm Chỉ :dừng nơi khu cấm
[12] Gác có vẻ đẹp của sao Khuê
[13] Nghĩa là nơi đậu ánh sáng mặt trời buổi ban mai do Thần Siêu Nguyễn Văn Siêu cất năm 1865
[14] Hà Nội có truyền thống ăn ngon nên thường nói ăn Bắc, mặc Kinh tức kinh đô Huế, kinh đô áo dài ăn mặc sang trọng, từ cung đình đến o bán bún đều mặc áo dài chỉnh tề
[15] Bánh mỏng, trắng trong, dẻo và thơm tự nhiên của gạo
[16] Làng Vòng, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, cốm làm tử nếp cái hoa vàng
[17] Hà Nội được bao quanh bởi 4 xứ Đông, Nam, Đoài, Bắc làm thành một vòng đai xanh cung cấp cho Thăng Long
Đông: bánh đậu xanh Rồng Vàng Hải Dương, bánh gai Ninh Giang, rươi Thanh Hà (Rươi là một họ giun nhiều tơ (Polychaeta) tên khoa học Nereididae sống ở một vài vùng duyên hải Bắc Việt Nam :bánh cuốn, gỏi cá chuối ngự Đại Hoàng Đoài: nem Phùng, cốm vòng, chả giò Ước Lễ Bắc: nem Báng, tương Bần…
Hà Nội kết tinh, thanh lịch hóa các món quà quê, Kẻ Chợ là nơi giao lưu văn hóa ẩm thực
[18] Cho đến khi Pháp đến, chỉ có một « kẻ chợ » một đô thị là Thăng Long-Đông Hồ (Hà Nội), còn tất cả là « chợ quê » với cơ cấu xã hội làng xóm, tính chất xã hội cộng đồng công xã, văn hóa xóm làng