Trận địa tại miền Bắc
Trong thời kỳ 1945-1986, miền Bắc cộng sản trải qua thời kỳ cưỡng bách văn hóa lần thứ ba[1] do chính người Việt ép buộc người Việt theo văn hóa XHCN gốc lý thuyết Mác-Lenin và Mao Trạch Đông. Trong thời kỳ này người Việt tự hủy diệt văn hóa cổ truyền của người Việt để áp đặt lên dân tộc Việt một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa gốc ngoại lai. Sự cưỡng bách văn hóa lần thứ ba trải qua ba thời kỳ:
- Xóa bỏ văn hóa cũ,
- Cải cách ruộng đất,
- Trở về văn hóa cổ truyền.
Sau ngày 30/4/1975, văn hóa Sài Gòn (sách báo, âm nhạc) lan tràn ra miền Bắc gây ra các hậu quả sau:
- Đời sống tinh thần người dân tuân theo qui luật văn hóa hấp thụ tự nhiên,
- Chối bỏ văn hóa XHCN,
- Hồi sinh văn hóa cổ truyền.
Xóa bỏ xã hội cũ
Với khẩu hiệu :« Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc trốc tận rễ », văn hóa hữu thể cùng với những cây cột chống đỡ bị hủy diệt là cơ sở hành chánh, chính trị và cơ sở tín ngưỡng văn hóa đình, chùa.
Xóa bỏ cơ sở hành chánh, chính trị
Cách mạng tháng 8-1945 bãi bỏ hết hội đồng kỳ mục, lý dịch, dòng họ, giáp, phe phường và sự vận hành của hương ước (luật lệ) của làng thay thế bằng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (có các ban ngành) thuộc tổ chức của Đảng.
Triệt tiêu thượng tầng lãnh đạo cơ sở tức các thành phần ưu tú (cựu quan lại, chức sắc kỳ hào, điền chủ giàu có…) nắm giữ cơ cấu văn hóa nông thôn bằng chụp lên đầu đủ mọi nhãn hiệu : tay sai đế quốc, cường hào ác bá, phản động, chống cách mạng để tước đoạt tài sản đem chia lại cho bần cố nông… Sau đó, họ bị đấu tố, xử bắn, xử tử, thủ tiêu cùng với chính sách cải cách ruộng đất.
Phá hủy cơ sở của văn hóa hữu thể
Triệt tiêu văn hóa vật thể : phá hủy đình, chùa, đền làng, nhiều sách vở chữ nho và chữ nôm, hoành phi, câu đối bị đốt[2]. Trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản, trả lời câu hỏi vì sao chủ nghĩa cộng sản xoá bỏ tôn giáo và đạo đức cũ, Marx và Engels viết : “Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt triệt để nhất với chế độ sở hữu cổ truyền ; không có gì đáng lấy làm lạ khi thấy rằng trong tiến trình phát triển của nó, nó đoạn tuyệt một cách triệt để nhất là với những tư tưởng cổ truyền[3]“. Hồ Chí Minh nói :”Gia đình to (cả nước) và gia đình nhỏ : Cái nào nặng ? Cái nào nhẹ ? Người cách mạng chọn gia đình to.” (HCM, Tuyển tập, Tập 4 ).
Cấm cản văn hóa phi vật thể
Từ năm 1945, sự ép buộc người Việt theo văn hóa XHCN được biểu lộ qua các sự hủy diệt văn hóa cổ truyền bằng dùng quyền lực để cấm đoán văn hóa phi vật thể như là tín ngưỡng (thờ thần thánh, tổ tiên, lên đồng), hội làng (lễ hội, ca trù, quan họ …), tập tục đều bị coi là tàn dư của văn hóa phong kiến. Trong hồi ký “Chuyện làng ngày ấy”, nhà thơ Võ Văn Trực đã kể khá sinh động chuyện làng của ông phá bỏ chùa chiền, miếu mạo, tập thể hóa cả mồ mả ông bà[4] .
Cải cách ruộng đất[5]
Tại sao phải cải cách ruộng đất? Hồ Chí Minh trả lời:
Nông dân không có đất vì “Giai-cấp địa-chủ phong-kiến không đầy 5 phần trăm dân-số, mà chúng và thực dân chiếm hết 7 phần 10 ruộng đất…” (Hồ Chí Minh),
Cải cách ruộng đất là làm cách mạng nông thôn vì “nông thôn phải kinh qua 2 cuộc cách mạng: Cải cách ruộng đất là một cuộc, cuộc thứ hai là từ chỗ thực hiện tổ đổi công, hợp tác xã, nông trường tập thể đến chỗ xã hội hóa nông nghiệp” (Hồ Chí Minh).
Giải thích của Tố Hữu:
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ.
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.
Những vần thơ lên án địa chủ của Tố Hữu sáng tác:
Những quân cướp ruộng cướp nhà
Những quân đè cổ lột da giống nòi.
Bọn địa chủ cắm vòi hút máu,
Phải vùng lên mà đấu thẳng tay.
Thực dân địa chủ một bầy,
Chúng là thú vật ta đây là người.
Rồi hô hào dân chúng:
Thắp đèn cho sáng ba gian,
Lôi mi ra giữa đình làng đêm nay.
Trăm tay xỉa xuống mặt mày,
Trăm tay xỉa xuống mặt đầy gian tham.
Cứ xốc tới, cứ chảy máu, cứ rơi đầu,
Mỗi xác thây sẽ là một nhịp cầu,
Cho ta bước tới chân trời khát vọng.
Mục đích
Cải cách ruộng đất chính thức bắt đầu ngày 25-12-1953 và kết thúc ngày 30-7-1956, được chia làm sáu đợt nhằm đạt các mục tiêu chính sau:
- Xây dựng đời sống mới có nghĩa xóa bỏ cơ cấu tổ chức của đời sống cổ truyền bằng cách tiêu diệt chính quyền cũ ở nông thôn, đạp đổ tầng lớp địa chủ, trí thức cũ.
- Thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.
- Sau khi san bằng di tích cũ thì chính quyền mới được dựng nên sẽ tuyệt đối trung thành với tôn ti trật tự mới của cộng sản.
Chính sách
Chính sáchnước mắt bằng tố khổ trí phú địa hào, phá bỏ hộ sản xuất, tịch thu ruộng đất cho bần cố nông lập thành hợp tác xã sản xuất.
Tiến hành
Ngày 12/4/1953, Hồ Chí Minh ban hành Sắc-lệnh số 150 SL về Cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ phản động chia lại cho nông dân nghèo.
Ngày 14/11/1953, Hội-nghị lần thứ 5 Ban Chấp-hành Trung-ương và Hội-nghị toàn quốc của Đảng Lao động đã quyết định tiến hành cải cách ruộng đất.
Phương pháp đấu tố
Muốn có con người mới cho xã hội mới thì phải hủy diệt nền tảng gắn bó gia đình bằng chính sách “đấu tố”, con tố cha, vợ tố chồng. Các cảnh con đấu tố cha mẹ được nhiều nhà văn như Trần Đỉnh[6], Song Nhi[7]… kể lại.
Chính Trường Chinh, tổng bí thư đảng trực tiếp lãnh đạo cải các ruộng đất, đã đấu-tố cha mẹ mình để làm gương. Thế mới có câu vè trong dân gian:
Đấu tố phụ mẫu,
tôn thờ Mác-lê.
Nhục ấy đời chê thằng họ Đặng.
Hãm hại sĩ nông, đảo điên văn hóa,
tội kia sách chép đứa tên Khu! (Đâng Xuân Khu = Trường Chinh).
Ca dao có câu:
“Hành Thiện có Bác Trường Chinh
Dạy con, dạy cháu hết mình tố cha”.
Để làm gương và tạo quyết tâm, phát súng đầu tiên của cải cách ruộng đất nổ vào đầu một người phụ nữ yêu nước, bà Nguyễn Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, đã từng đóng góp tiền bạc, lúa gạo cho bộ đội[8].
Dưới đây là hình ảnh các giai đoạn đấu tố địa chủ.
1) Nhiều bài báo, bài thơ phát động quần chúng đấu tố địa chủ trong Cải cách ruông
2) Tòa án nhân dân của Cải cách ruộng đất. Quan tòa là tầng lớp bần cố nông nghèo, ít học
3) Hình ảnh địa chủ bị đấu tố
1) Làm gương
Mùa hè 1956 bắt đầu diễn ra chiến dịch sửa sai trong cải cách ruộng đất. Ngày 18-8-1956 Hồ Chí Minh thừa nhận sai lầm của Cải cách ruộng đất và thủ tướng ban hành lệnh sửa sai. Sửa sai thế nào khi người bị tố oan đã chết, nhà cửa đã bị phá nát? Người dân chỉ biết làm vè tự an ủi.
Sửa sai rồi lại sửa sai
Sửa thì cứ sửa, sai thì cứ sai.
Đèn cù cứ chạy lòng vòng
Dân chủ cái còng, Độc lập đói ăn,
Hạnh phúc chú Cuội cung trăng,
Nhân dân đói khổ nhăn răng chết dần.
Trở về văn hóa, kinh tế xưa
Sau 40 năm (1945-1986) dùng vũ lực cưỡng bách nhân dân, văn hóa XHCN không chiến thắng một cách tự nhiên được cái văn hóa cũ bằng chính cái giá trị của cái mới và được người dân chấp nhận nên văn hóa XHCN đã bị đào thải bởi quy luật đào thải tự nhiên của người tiêu dùng văn hóa[9].
Sau khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam và sư sụp đổ chế độ cộng sản tại Âu Châu, năm 1986, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mở đường cho sự chính sách đổi mới tiến lên bằng cách:
- Xóa bỏ mậu dịch quốc doanh tức xã hội lý tưởng XHCN của thời bao cấp,
- Thiết lập nền kinh tế thị trường tư bản.
Chính sách đổi mới[10] (có nghĩa trở về với cái cũ đã bị lên án và hủy bỏ) được áp dụng từ đại hội đại biểu Đảng cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986. Nếu dựa vào kết quả của thực tiễn thì định nghĩa đổi mới văn hóa và kinh tế có nghĩa thực sự là :
- Trở lại với văn hóa cổ truyền của tổ tiên để lại, cho phép phục hồi ca trù, lên đồng, lễ hội, mặc áo dài… đọc sách và nghe nhạc của Việt Nam Cộng Hòa,
- Đổi mới kinh tế nghĩa là chính thức thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa (tư bản, tư hữu) theo định hướng xã hội chủ nghĩa tức là Đảng vẫn giữ vai trò chủ đạo của kinh tế. Dùng cụm từ đổi mới để thay cho cụm từ thất bại của kinh tế[11] và văn hóa xã hội chủ nghĩa.
Với chính sách đổi mới, hai biến cố quan trọng tại nông thôn Bắc Bộ là :
- Phục hồi văn hóa, kinh tế cổ truyền,
- Biến đổi dân số, văn hóa, đời sống vật chất theo kinh tế thị trường.
Phục hồi văn hóa xưa
Đổi Mới đã phục hồi lại vai trò văn hóa của đình, hương ước, quản trị làng… mà cộng sản đã hủy diệt[12] nhưng được phục hồi trong hoàn cảnh « không niềm tin, không pháp luật » (Sans foi, ni loi), không có một định hướng mới. Được hồi sinh trên đống gạch bể nát của văn hóa vô sản, văn hóa cổ không còn khả năng định chuẩn cho đời sống nông thôn lại thiếu luật pháp công minh hướng dẫn ứng xử.
Phục hồi tổ chức nông thôn cũ
Với chính sách đổi mới năm 1986, sự phục hồi tổ chức nông thôn cũ được đánh dấu bởi các chuyển biến sâu sắc sau :
- Trở lại hương ước theo Nghị quyết số 05-NQ/HNTW ngày 10-6-1993
- Vai trò của tự quản cấp thôn làng như trước 1945 được xác định qua nhiều văn kiện như Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18-3-2002
3 Phục hưng phát triển trở lại các lễ hội cộng đồng, lễ nghi của mô hình thể chế truyền thống,
- Phục hồi cơ cấu kinh tế xã hội văn hóa cổ truyền trước 1945 tại nông thôn,
- Giải thể hợp tác xã nông nghiệp (1981 -1990), chuyển sang kiểu sản xuất hộ gia đình tức sản xuất tư nhân (bị phá vỡ trong thời kỳ hợp tác xã hóa nông nghiệp) với quyền tư hữu được tái lập theo Nghị quyết của Bộ chính trị, số 10 ngày 5-4-1988;
- Tái lập tư hữu đất đai. Luật Đất Đai 1993 và 2003 xác định quyền sở hữu đất đai ở nông thôn, nhờ vậy mà kinh tế hộ gia đình phát triển.
Thay đổi ở nông thôn[13]
Sau khi văn hóa và kinh tế XHCN biến mất từ năm 1986, mở ra một vận hội mới với những nhu cầu mới, buộc nông thôn phải thay đổi, nhưng thay đổi thế nào, lại chưa từng được đặt ra. Do đó, nông thôn tự phát thay đổi, thiếu quy hoạch trong bối cảnh đô thị hóa, công nghệ hóa, toàn cầu hóa đưa đến di dân nông thôn ra đô thị, tạo nên « sóng ở trong làng » khởi động bởi sự trống rỗng văn hóa.
Theo số liệu tổng tra dân số, người di cư ra thành thị :
Năm 1999 : 855 943 chiếm 7.2% dân số đô thị,
Năm 2009 : 2.062.171 đô thị gia tăng 9.2% mỗi năm. Năm 2014, dân sống trong đô thị: 30. 035.400, dân số nông thôn: 60 693 500.
Biến đổi vì di dân
Nông dân trưởng thành di dân ra thành thị, chung đụng văn hóa thành thị, đem về quê những tư tưởng và nếp sống văn minh (TV, truyền thông điện tử, phim ảnh ngoại quốc…) khác hẳn tạo nên nhiều tầng lớp đan xen nhau trong bối cảnh gia đình và cộng đồng.Trong một gia đình, thành phần sinh sống chung đụng có thể là trí thức, công nhân, hưu trí, nông dân, trẻ em nên có nhiều va chạm về nếp sống nhất là văn hóa truyền thống như hiếu nghĩa với cha mẹ, anh em bị tha hóa.
Biến đổi cư trú nông thôn
Phát triển kinh tế thị trường và sự « trống rỗng văn hóa » mang lại các hậu quả sau :
Xây cất vô trật tự không có người chuyên môn hướng dẫn, mạnh làng nào làng ấy làm, mạnh nhà nào nhà ấy xây, nông dân chỉ quan tâm đến bê tông và giấc mộng « lên phố », còn hệ thống giao thông thì chằng chịt, manh mún, chật hẹp thiếu tầm nhìn tương lai.
Ở những gia đình có đất, nhà kiểu thước thợ[14], kiểu biệt thự ra đời thay thế cho ngôi nhà tre gỗ ba hay năm gian. Tất cả những ngôi nhà mới, đều không dùng kiến trúc sư, cơ bản không có thiết kế, mỗi nhà một phách, đủ kiểu Tây Tàu và Hàn Quốc.
Nhiều cổng làng bình dị, rêu phong, xù xì rễ đa, rễ duối[15]cuốn quanh… có đến gần trăm tuổi bị phá dỡ để mở đường cho rộng, trải bê tông cho xe công nông và ô tô đời mới chạy.
Những không gian xanh của làng như rặng tre, vườn cây, bờ ao bị chặt phá, san lấp để lấy chỗ xây nhà.
Hiện tượng lên phố du nhập các tệ đoan của thành thị mê cờ bạc, rượu chè, thanh niên tập tành hút hít, chơi bời.
Biến đổi kinh tế
Sau giải thể kinh tế hợp tác xã nông nghiệp và sự phục hưng kinh tế gia đình, hộ gia đình được quyền xử dụng đất đai lâu dài, tự chủ trong quá trình sản xuất. Trong cộng đồng, nay là đời sống kinh tế hộ gia đình nên nhiều gia chủ di dân ra thành thị làm khu công nghiệp thì phải cho thuê lại ruộng, gởi tiền về làng, xây dựng nhà gạch làm thay đổi cư trú nông thôn.
Biến đổi cơ quan quản trị
Tự quản cấp thôn và hương ước được phục hồi.
Biến đổi văn hóa vô thể
Văn hóa cổ truyền đã bị đập nát, san bằng còn văn hóa XHCN mới chưa đặt được nền móng thì đã sụp đổ tạo nên một khoảng trống rỗng văn hóa mà chế độ cộng sản bất lực trước sự phục hồi văn hóa cổ truyền và trước tác động mặt trái của kinh tế thị trường tư bản[16]. Vì vậy mà nông dân tự lo lấy đời sống văn hóa cho mình nên văn hóa có những sắc thái sau:
- Quay về với đời sống tâm linh, với thờ cúng, với mồ mả, với gia phả… của văn hóa truyền thống,
- Vắng bóng phim kịch nhà Nước, hiệu sách huyện do qui luật văn hóa tự đào thải bởi người tiêu thụ văn hóa phủ nhận;
- Truyền hình và đài phát thanh vẫn là những nguồn thông tin miễn phí từ nhà Nước, nhưng trên đó lại đầy rẫy phim Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái và Mỹ… phim chuyện tình, võ thuật, tình dục, quảng cáo hàng tiêu dùng… rất ít phim Việt Nam giới thiệu về văn hóa Việt Nam;
- Về tổ chức tham quan du lịch, nhưng nơi đến chỉ là Lăng Bác, cây đa Tân Trào[17], vài đền chùa, rất hiếm đi tham quan bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Dân tộc học, còn bảo tàng Mỹ thuật và triển lãm nghệ thuật thì tuyệt đối không.
Ngày nay văn hóa XHCN còn để lại dấu tích cụ thể gì? Dấu tích nhìn thấy được tại nông thôn là “nhà văn hóa” được xây dựng để thay thế các trung tâm văn hóa cổ xưa như đình, đền miếu. Nay thì nhà văn hóa dùng làm để hội họp, sinh hoạt tập thể. Sách báo, nhạc cụ, và các trang bị, thiết bị phục vụ biểu diễn văn nghệ cách mạng vô sản hầu như không có.
Thành bại qua thái độ của người dân
Trong trận chiến văn hóa, lý do thành bại được nhận thấy qua cung cách và thái độ (đồng thuận hay chống đối) của người dân trước sự cưỡng bách văn hóa. Chúng ta thử nhìn qua 2 thí dụ dưới đây:
- Thời cưỡng bách văn hóa Trung Hoa thời Bắc thuộc (Từ năm 43 đến 938). Cuộc đụng độ văn hóa Trung Hoa với văn hóa Văn Lang đã tuân theo “Qui luật đồng hóa” của văn hóa. Khi có sự cộng lưu văn hóa thì nền văn hóa thấp (văn hóa thời Hùng Vương) sẽ bị đồng hóa hòa hài với nền văn hóa cao (văn hóa Trung Hoa) nên có sự đồng thuận của dân chúng. Sự đồng thuận này được sử gia Trần Trọng Kim mô tả dân Việt tiêu thụ văn hóa Trung Quốc như thế này[18]: “… mà sự học của mình thì ai cûng yên trí rằng cái gì đã học được Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương, ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách mình sùng mộ vån minh của Tàu như thế…”.
- Thời cưỡng bách văn hóa xã hội chủ nghĩa (1945-1986). Nếu nhìn lại tâm tình chân thật của người dân qua văn hóa dân gian (ca dao, vè …) trong thời kỳ này thì sẽ hiểu qui luật tự đào thải bởi người tiêu dùng văn hóa trong cuộc nội chiến. Để đối chiếu với người tiêu thụ văn hóa thời Bắc Thuộc, chúng ta hãy nghe : Thi sĩ đảng viên Phan Huy và Thái Bá Tân mô tả người tiêu thụ văn hóa XHCN như dưới đây:
« Hai mươi mốt năm trên đường cách mạng
Xã hội thụt lùi người kéo thay trâu.
Cuộc sống xuống thang tính bằng tem phiếu,
Nhân phẩm con người chẳng khác bèo dâu !”
Phan Huy
Khi cách mạng thắng lợi,
Nhanh chóng hoặc từ từ,
Các quan chức cộng sản
Biến của công thành tư.
Thái Bá Tân, 2019
—
[1] Thời cưỡng bách văn hóa lần thứ nhất bởi Hán Đường (43 đến 938) bắt dân Việt theo văn hóa Trung Hoa,
Thời cưỡng bách văn hóa lần thứ hai (1414-1427), quân Minh cưỡng ép dân ta theo văn hóa Trung Hoa được sử gia Trần Trọng Kim mô tả như sau: “Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang các việc trong nước để khiến cho người An Nam đồng hóa với người Tàu. Lập ra đền miếu bắt người mình cúng tế theo như tục bên Tàu, rồi cách ån mặc cho chí sự học hành, việc gì cũng bắt theo như người Tàu cả. Còn cái gì là di tích cüa nước mình như là sách vở thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch… Bắt con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái thì phải mặc áo ngắn quần dài theo như người Tàu cả.”
[2] Từ năm 1950 trở đi những nguyên lý văn hoá vô sản dần dần chi phối nền văn hoá Việt Nam. Theo hai quyển hồi ký của nhà văn Võ Văn Trực (Chuyện làng ngày ấy và Cọng rêu dưới đáy ao) thì ở Nghệ An quê ông, người ta phá đình chùa, tập thể hoá cả mồ mả ông bà, sửa đổi phong tục tập quán bị coi là hủ lậu. Ở các vùng khác chưa ai viết ra, nhưng nói chung cũng na ná như vậy. Đến sau 1975, những người lãnh đạo văn hoá ở Thừa Thiên Huế còn dùng nội cung cố đô Huế làm kho giấy và cho phá bỏ Đàn Nam Giao khiến lòng dân bức xúc có nhiều câu ca dao phản đối.
[3] Lý luận kinh điển. NXB ST, 1974, trang 78
[4] Trong hồi ký “Chuyện làng ngày ấy” nhà thơ Võ Văn Trực đã kể khá sinh động chuyện làng của ông phá bỏ chùa chiền, miếu mạo, tập thể hóa cả mồ mả ông bà
[5] Cải cách ruộng đât được một cựu quan chức cộng sản là Hoàng Văn Chí mô tả trong cuốn Từ thực dân đến cộng sản, Nhà xuất bản Chân Trời Mới, Sài Gòn, 1964 (đã được dịch ra 15 ngôn ngữ). Bản annh ngữ: From Colonialism to Communism, The Pall Mall Press Ltd. 77–79 Charlotte Street, London W.I , 1964. Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp lãnh đạo cải các ruộng đất. Ngày 18-8-1956, Hồ Chí Minh gởi thơ cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm.
Cải cách ruộng đất (1946-1957) đã được trưng bày 5 ngày (8/6 đến 12/9/2014) tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
[6] Trong “Đèn Cù” của Trần Đỉnh có đoạn nói về Chu Văn Biên, trùm cải-cách Nghệ Tĩnh, chỉ vào mặt mẹ chắp tay đứng dưới sân mà nói :“Mày là đứa bóc-lột, kẻ thù của nhân-dân, không mẹ con gì hết, tao phải tiêu-diệt mày”. Nhờ cái thành-tích ấy Chu Văn Biên sau này được đề bạt thứ-trưởng Bộ nông-nghiệp và bà mẹ cắn lưỡi tự-tử
[7] Đọc trên internet, cuốn Nửa thế kỷ Việt Nam, chương2 của Song Nhi viết: “Ông Phan Vượng, thường gọi là cố Đạt, bị giam giữ sau khi bị quy thành phần địa-chủ. Khi bị đem ra đấu-tố tại xóm (gọi là “đấu lưng”, trước khi đưa đi đấu-tố ở xã), một hôm đứa con gái tên là Trung nhảy lên bục, chân co chân duỗi, một tay chống nạnh, một tay xỉa vào mặt cha mà hỏi :
– “Mày biết tao là ai không ? Gia đạo này nhờ ai mà có? Cái mâm thau không đưa cho nông-dân, mày để lại làm gì ?”
Cố Đạt run rẫy, miệng lắp bắp:
– “Tôi đâu quên chị. Gia đạo này nhờ nông-dân mà có. Cái mâm thau, hôm trước chị tới nói để lại nông dân cũng lấy mất, chị lấy đem về nhà chị rồi”.
Cố Đạt vừa nói xong, chị Trung thẳng tay xỉa vào mặt cha, làm cố Đạt té ngửa trong khi đang bị trói thúc ké. Dưới đấu-trường giữa bãi đất trống, tiếng hô “đả-đảo” lác đác yếu ớt… Tối hôm đó cố Đạt tự kết liễu đời mình bằng sợi dây trói.
[8] Bà có con trai làm trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong Tuần Lễ Vàng, gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập
[9] Trong lịch sử, đổi mới văn hóa cũng đã xảy ra nhưng đổi mới một cách tiệm tiến khởi động bởi chính nhân dân (nhân tố nội tại) trước thay đổi chính trị, kinh tế của đất nước. Thí dụ văn hóa cổ truyền Việt chuyển dần sang văn hóa công nghiệp, đô thị kiểu Âu Châu
[10] Đổi Mới là một chương trình cải cách toàn diện bao gồm kinh tế và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào thập niên 1980. Chính sách Đổi mới được chính thức thực hiện từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986
[11] Chỉ cần nghe vài câu vè là hiểu kinh tế xã hội chủ nghĩa : Một yêu anh có may-ô/ Hai yêu anh có cá khô để dành/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/ Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày/ Năm yêu anh có đôi giầy/ Sáu yêu anh có khăn quàng vắt vai/ Bảy yêu có sắn gạc nai/ Tám yêu nước mắm cả chai ăn dần/Chín yêu anh rất chuyên cần/Mười yêu anh chỉ để phần cho em
[12] Những gì mà Cách Mạng tháng Tám hủy diệt thì nay gần như đều được phục hồi thí dụ như Đạo Mẫu lên đồng, ca trù trong âm nhạc, in lại các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn bởi Công ty CP Văn hóa và truyền thông Nhã Nam tại Hà Nội…
[13] Viết theo :« Việt Nam sau 30 năm đổi mới, thành tựu và triển vọng », tài liệu lưu hành nội bộ của cộng sản
[14] Gọi thước thợ vì đồ án nhà có dạng L
[15] Cây Duối có tên khoa học là Streblus asper, thuộc họ Moraceea
[16] Trung tướng, TS Nguyễn Tiến Quốc, Học viện chính trị-bộ Quốc Phòng, nhận xét mặt trái của kinh tế thị trường là « kích thích thói ích kỷ, tự tư tự lợi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, xã hội và đất nước. Nó tạo ra lối sống hưởng lạc, lối sống gấp của xã hội tiêu thụ, lối sống thực dụng v.v. Lối sống này trái hẳn với chế độ xã hội chủ nghĩa ».
[17] Cây đa Tân Trào là một cây đa cổ nằm ở đầu làng Kim Long (sau đổi tên thành Tân Lập), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là một di tích lịch sử kháng chiến. Cây đa Tân Trào đã bị sét đánh đổ năm 1993
[18] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Trung tâm học liệu xuất bản, tr.32