Hoa mai lại nở

Kha Lăng Đa

Hoàng và Mẫn – người bạn chí thân của chàng ngồi đối ẩm dưới gốc cây mai già suốt đêm trừ tịch. Nhờ Mẫn mà Hoàng có được cây mai quý giá nầy và cũng chính cây mai nầy đã đánh dấu một chuyện tình đau thương của đời chàng.

Ngày trước, cây mai nầy được cha Mẫn trồng ở trước cửa nhà ông. Lúc đó, chiều cao của cây mai chỉ ngang vai Hoàng. Không biết vì duyên số hay vì yêu thích loài hoa nở trong dịp Tết Nguyên Đán mà Hoàng lại quen và yêu tha thiết cô bạn gái học cùng trường, tên Huỳnh Mai. Chuyện tình nầy, Mẫn là người biết rõ hơn ai hết vì chính Mẫn đã làm mai mối cho đôi trai gái yêu nhau.

Bỗng cha Mẫn làm ăn thất bại, ông phải bán nhà để trả nợ và mua lại căn nhà nhỏ, đủ cho vợ chồng ông và đứa con trai đụt nắng, che mưa. Mẫn tiếc cây mai vàng trước ngõ nên đề nghị cha cho Hoàng bứng gốc, đem về trồng trước nhà Hoàng vì lúc đó cha Mẫn chưa mua được nhà mới mà người mua nhà lại đòi dọn về gấp, gia đình Mẫn phải tạm trú tại nhà Hoàng. Cha Mẫn cho phép, Hoàng và Mẫn cặm cụi đào quanh gốc cây mai và đào xuống thật sâu để lấy hết phần rễ rồi mướn xe ba bánh, chở cây mai về trồng trước ngõ nhà Hoàng.

Năm nay, giữa đêm 30 Tháng Chạp Âm Lịch, Hoàng ngồi đối ẩm với Mẫn để đón Giao Thừa như những năm trước. Mẫn là người bạn rất chân thành của Hoàng, đã sống gắn bó với chàng từ khi còn ở tuổi học trò. Đến nay, qua bao biến cố đau thương của đất nước, của gia đình Hoàng mà tình bạn vẫn luôn sâu đậm.

Gia đình Hoàng bây giờ chỉ còn trơ trọi một mình chàng với thân phận một thương phế binh cụt mất chân trái trong trận giao tranh với địch quân giữa ngày 29-4-75. Người anh ruột của Hoàng cũng đã hy sinh trong trận chiến tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972. Cha mẹ Hoàng đã lần lượt từ trần trong những năm tháng ê chề, sau ngày Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam. Người yêu của chàng là Huỳnh Mai cũng đã vượt biển tìm Tự Do khi nàng đang mang bào thai một tháng – kết quả của mối tình nồng thắm, nguyện thề trọn kiếp yêu nhau giữa Hoàng và nàng. Hoàng không biết được tin tức của Huỳnh Mai hiện giờ sống chết ra sao? Hình bóng nàng luôn ngự trị giữa tim Hoàng. Chàng trân quý, nâng niu tấm ảnh của Huỳnh Mai mặc áo dài màu thiên thanh, đứng bên cội mai vàng trước ngõ nhà chàng trong ngày Tết năm xưa. Mỗi lần nhớ thương Huỳnh Mai, Hoàng nhìn ảnh nàng cho vơi bớt niềm hoài cảm ngập lòng.

Trong khi đối ẩm với Mẫn, Hoàng thối ra câu nói nửa đùa giỡn, nửa bi thương.

_ Mai vàng còn đây mà Huỳnh Mai của tôi thì ở nơi đâu?

***

Ngày nào không gặp được Huỳnh Mai là Hoàng mất ngủ, biếng ăn, đúng như câu “Nhứt nhựt bất kiến như tam Thu hề”. Huỳnh Mai cũng yêu Hoàng đắm đuối. Nàng là một giai nhân đẹp cả dung nhan và tánh tình, biết sống hoà mình với mọi tầng lớp người trong xã hội miền Nam ngày trước, nhứt là với bạn bè cùng trường, cùng lớp mặc dù nàng là con nhà giàu. Có nhiều chàng trai học cùng lớp theo đuổi nàng, trong đó có Trọng – một người bạn thân của Hoàng. Biết Hoàng đã chiếm được trái tim yêu của Huỳnh Mai, Trọng không tỏ ra ghen tỵ mà đã nhiều lần ngỏ lời chúc mừng Hoàng và thường mời Hoàng cùng với Huỳnh Mai đi ăn hay đi xem phim.

Trọng là con của một phú gia. Chàng vào quân đội và được về phục vụ ở hậu cứ của một đơn vị còn Hoàng thi rớt Tú Tài, được lệnh nhập ngũ ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, khi mãn khoá phải đi tác chiến ở một đơn vị Biệt Động Quân. Vậy mà Huỳnh Mai vẫn giữ vẹn tình yêu với Hoàng.

Những lần nghỉ phép, Hoàng về Sài Gòn thăm nhà. Người ta thấy Hoàng, Trọng và Huỳnh Mai cùng đi dạo phố. Hoàng tin tưởng Trọng là một người bạn thân của mình nên không nghi ngại điều chi. Riêng Huỳnh Mai cũng coi Trọng là bạn của Hoàng nên rất tự nhiên trong những lần cùng hai người gặp gỡ, vui chơi.

Sau lần hết phép đặc biệt, phải trở lại chiến trường trong thượng tuần tháng 4-1975 đang mịt mù khói lửa chiến tranh, biết được Huỳnh Mai đã mang thai, Hoàng hứa hẹn khi yên ổn, chàng sẽ xin phép về nhà, thưa cùng cha mẹ chàng, cậy nhờ mai mối đi hỏi cưới Huỳnh Mai. Trong nỗi lo âu thắc thỏm, Huỳnh Mai chờ đợi Hoàng từng giờ, từng ngày vì miền Trung và cao nguyên đã bị thất thủ, quân ta rút về lập phòng tuyến “Lá chắn Phan Thiết”. Trong tình hình như dầu sôi lửa bỏng nầy mà Hoàng lại bặt vô âm tín. Cho tới ngày quốc hận 30-4-1975, Trọng u buồn đến báo tin cho Huỳnh Mai biết Hoàng đã bị tử trận – tin nầy do một người bạn cùng đơn vị với Hoàng sống sót, trở về kể lại. Huỳnh Mai đau đớn tột cùng trước hung tin như sét đánh, nàng khóc sướt mướt vì bao hy vọng đã tan tành, người yêu đã vị quốc vong thân, nước nhà lại bị cộng quân cưỡng chiếm.

Trọng an ủi Huỳnh Mai và chàng khuyên nàng hãy theo chàng vượt biển tìm Tự Do. Trọng nói với giọng khẩn thiết:

_ Hoàng đã hy sinh tánh mạng vì chính nghĩa quốc gia, Mai ở lại, làm sao sống nổi với cộng sản gian ác. Gia đình tôi đã quyết định tháp tùng người bạn hải quân, chức vụ hạm trưởng. Hiện giờ chiến hạm của anh ta đang đậu ngoài khơi Vũng Tàu. Chúng ta hãy ra Vũng Tàu, có ghe đánh cá do gia đình tôi mướn sẵn, họ sẽ chở mình ra chiến hạm và họ cũng sẽ đi theo mình luôn. Huỳnh Mai hãy về nói với gia đình đi cùng chúng tôi, 2 giờ nữa, mình sẽ ra Vũng Tàu.

Gia đình Huỳnh Mai như những người chết đuối bám được phao, vội vã thu dọn vàng bạc, hành lý để tháp tùng gia đình Trọng. Chuyến đi đó, họ đã đến được đảo Guam.

***

Chiều nào, Huỳnh Mai cũng đứng trên bờ biển, nhìn về phía xa xăm với đôi mắt ướt đẫm lệ sầu. Trọng luôn theo dõi và an ủi Huỳnh Mai, rồi vì quá yêu nàng, vào một buổi hoàng hôn, chàng đã tỏ tình một cách chân thật. Vì hình bóng Hoàng đã in đậm trong tim Huỳnh Mai nên nàng từ chối lời tỏ tình của Trọng. Nàng thú thật với Trọng là nàng đã mang thai hai tháng mà cha của thai nhi là Hoàng. Trọng vẫn theo an ủi Huỳnh Mai và cũng lập lại lời tỏ tình ngày nầy qua ngày khác. Trọng bằng lòng nhận thai nhi là của chàng và sẽ dưỡng nuôi nó như con ruột của chàng khi Huỳnh Mai sinh nở. Vì mang thâm ân của Trọng đã đưa nàng và song thân thoát khỏi hoạ cộng sản vô thần, vì thấy Trọng quá yêu nàng, dám hy sinh vì nàng, hơn nữa thai nhi trong bụng nàng ngày càng lớn ra nên Huỳnh Mai đành chấp nhận lời cầu hôn của Trọng.

Tất cả mọi chuyện khai báo, làm thủ tục xin nhập cư nước Mỹ của gia đình chàng và gia đình Huỳnh Mai đều do Trọng làm. Chàng khai gia đình Huỳnh Mai là gia đình vợ sắp cưới của chàng. Sáu tháng sau, hai gia đình được vào đất liền và định cư ở Tiểu Bang California. Vừa ổn định bước đầu của cuộc sống mới nơi đất khách quê người thì Huỳnh Mai hạ sinh được một bé trai, Trọng đặt tên cho nó là Nghĩa và khai sinh theo họ của chàng. Năm sau, Trọng và Huỳnh Mai làm đám cưới.

Sống trong nhung lụa, giàu sang, nhưng Huỳnh Mai vẫn âm thầm đau khổ, thương tiếc người xưa, không biết hiện giờ thân xác Hoàng đã vùi lấp nơi đâu? Có được mai táng đàng hoàng hay tan tác cùng cây cỏ nơi núi thẳm, rừng sâu? Đứa bé càng lớn lên, càng giống Hoàng như đúc. Mỗi lần nhìn con, Huỳnh Mai lại nhớ đến người yêu đã đền nợ núi sông. Trọng vẫn biết điều ấy, nhưng vì quá yêu Huỳnh Mai nên phải đành chấp nhận.

Năm năm sau, cha mẹ đôi bên đã tạo dựng cho Trọng và Huỳnh Mai một tiệm mua bán vàng và nữ trang. Trọng và Huỳnh Mai thay phiên nhau đi học ở college. Trọng học được hai năm thì chán nản, bỏ học. Huỳnh Mai giao tiệm cho Trọng coi để theo đuổi con đường học tập và nàng đã đậu được bằng dược sĩ. Trong những năm đầu, tiệm vàng của Trọng làm ăn phát đạt, cho đến khi bé Nghĩa vào Đại học được 2 năm thì chàng say mê cờ bạc nên kinh tế gia đình ngày càng sa sút. Huỳnh Mai rất khổ tâm vì khuyên lơn Trọng không được. Trọng cứ theo đám bạn bè cùng sở thích đến sòng bạc Las Vegas có khi cả tuần lễ mới về nhà, mặt mày bơ phờ, hốc hác. Lần nào về nhà, Trọng cũng buộc Huỳnh Mai đưa tiền cho chàng đi gỡ lại những canh bạc đã thua to, nhưng không có lần nào chàng thắng, chỉ thua và thua mãi! Huỳnh Mai khóc lóc, năn nỉ Trọng hãy hồi tâm, nhưng ma lực của cờ bạc đã cuốn hút chàng vào cơn trốt xoáy làm tan nhà, nát cửa. Không ai khuyên chàng được, kể cả tứ thân phụ mẫu. Trọng lại giở thói bạo hành, đánh đập Huỳnh Mai mỗi khi nàng nhứt quyết không đưa tiền cho chàng đi đánh bạc. Nghĩa bệnh vực mẹ, bị Trọng đấm vào mặt, chảy máu mũi!

Huỳnh Mai phải sống trong chuỗi ngay đau khổ, nuôi con ăn học cho hoàn tất những năm học cuối. Nàng không biết sức chịu đựng của mình được bao lâu nữa?! Chuyện tình của Hoàng và Huỳnh Mai, được nàng âm thầm viết vào những trang nhựt ký với những trang giấy đọng đầy nước mắt của nàng.

Lần cuối, Trọng về nhà đòi một số tiền lớn, Huỳnh Mai không đưa nên bị Trọng hành hung. Sau đó, Trọng bỏ nhà ra đi, một tháng sau thì chàng bị băng đảng thanh toán vì ân oán giang hồ.

Hình như hương thề chưa dứt và duyên trời còn cho tái hiệp nên Trọng chết được một năm thì hôm ấy, có một người bạn học cũ thân tín của nàng ở California, cùng chồng về Việt Nam, lúc trở qua Mỹ, họ tìm gặp Huỳnh Mai và báo tin Hoàng vẫn còn sống, hiện là một thương phế binh, bị cụt mất một chân, đi bán vé số để sống qua ngày. Hoàng vẫn ở tại gian nhà cũ. Cô bạn trao cho Huỳnh Mai địa chỉ của Hoàng và tấm ảnh của Hoàng mà nàng đã chụp được. Huỳnh Mai không cầm được cơn cảm xúc, đôi dòng lệ trào tuôn ra khoé mắt khi nhìn ảnh người yêu bây giờ tiều tụy, xác xơ! Huỳnh Mai nghĩ rằng Trọng đã phao tin Hoàng tử trận để chiếm đoạt nàng! Nàng thầm trách Trọng là kẻ phản bạn. Nàng nhờ cô bạn gởi về cho Hoàng số tiền khá lớn và dặn dò hãy nói đó là tiền của anh, chị, em cựu học sinh trường xưa gởi cho chàng vì nàng e ngại Hoàng sẽ không nhận tiền nếu biết đó là tiền của nàng – một kẻ bội ước, vong thề!

Nghĩa biết được Huỳnh Mai gởi tiền về Việt Nam cho Hoàng nên thắc mắc hỏi mẹ. Huỳnh Mai lo ngại Nghĩa hoài nghi nàng dan díu với một người đàn ông khác khi chưa mãn tang chồng nên đã kể hết chuyện đời nàng cho Nghĩa nghe. Biết được người cha ruột của mình hiện là một phế nhân đang sống khốn khổ ở quê nhà, Nghĩa ôm mặt khóc và đòi về Việt Nam tìm gặp cha. Huỳnh Mai an ủi và hứa hẹn với nó:

_ Con đừng buồn nữa, hãy ráng thi đậu, ra trường rồi má sẽ dẫn con về VN gặp mặt ba con.

***

Nhận được một số tiền của Mai gởi về, Hoàng nghĩ tới một người mà chàng đã mang ơn rất nặng khi chàng bị Việt Cộng đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hoà trong ngày 30-4-75 với vết thương cưa chân còn đang băng bó. Ân nhân ấy là Hồng, cô y tá đã săn sóc cho chàng, chính nàng đã đưa chàng ra khỏi Tổng Y Viện và nói rỉ tai chàng:

_ Anh về nhà nghỉ ngơi, hằng ngày vào buổi chiều, tôi sẽ đến chích thuốc và thay băng cho anh, đừng cho ai biết!

Hoàng vô cùng cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của nàng, bây giờ không biết nàng ở đâu để mà đền ơn đáp nghĩa. Có lần, Hoàng đến Tổng Y Viện cũ để tìm Hồng, nhưng người ta cho biết nàng đã nghỉ việc. Chàng đã cậy nhờ vài tờ báo nhắn tin, nhưng vẫn không có tin tức gì về nàng.

Vốn là người giỏi nhạc từ khi còn là học trò cấp tiểu học vì cha Hoàng là một nhạc sĩ, đã dạy chàng sử dụng thành thạo đàn organ, guitar và trống, chàng ca cũng rất hay, nên ngày trước chàng nổi bật trong ban văn nghệ của nhà trường. Nay, nhờ số tiền của Huỳnh Mai gởi, Hoàng mua được một cây đàn Organ và dàn âm thanh để phục vụ cho một quán ca nhạc, đỡ phải đi bán vé số vất vả, lang thang khắp đô thành mà tiền kiếm được chỉ đủ cho bữa cháo bữa rau. Hoàng được chỉnh hình, đi bằng chân giả chớ không chống nạng nữa. Kể ra số tiền của Huỳnh Mai gởi đã giúp chàng thoát khỏi cảnh sống thiếu thốn, khó khăn. Lãnh lương được nhiều tiền, Hoàng đem san sẻ cho anh em thương phế binh nên họ rất cảm mến Hoàng.

Một hôm tình cờ, Hoàng gặp Hồng và đứa con gái bán nước sinh tố trên vỉa hè, gần quán ca nhạc mà Hoàng làm việc. Chàng vui mừng và cảm động muốn rơi nước mắt. Hồng giới thiệu đứa con gái của nàng là sinh viên Đại học, tên là Hạnh. Khi Hoàng hỏi thăm chồng nàng hiện giờ ở đâu thì nàng u buồn kể:

_ Lúc gặp anh ở Tổng Y Viện, tôi đang mang thai cháu Hạnh 3 tháng. Chồng tôi là một sĩ quan Bộ Binh đang đi hành quân. Sau ngày 30-4-75, anh ấy không về nữa, tôi chờ mãi vẫn không có tin tức gì về ảnh. Cách nay mấy năm, bạn bè ở Mỹ cho biết tin mà họ nhận được trên Internet: một vị hoà thượng của một chùa nọ đã chôn xác 3 chiến sĩ thuộc Quân Lực VNCH và 5 xác Việt cộng trong trận tử chiến trước sân chùa của ông. Ông đã chôn xác tất cả người chết. Hiện ông còn giữ 3 tấm thẻ bài kim khí, trong đó có một tấm mang tên của chồng tôi. Tôi đã cùng thân nhân bên chồng tôi đến chùa ấy bốc mộ của chồng tôi theo sự hướng dẫn của vị hoà thượng, đem hài cốt về cải táng ở Bình Dương.

Hoàng thốt lời chia buồn cùng Hồng. Hôm sau, Hoàng đến trao cho Hồng một phong bì đựng số tiền mà Hoàng dành để đền ơn Hồng, nhưng nàng không nhận tiền. Hoàng năn nỉ nàng:

_ Em xin chị Hồng cho phép em gọi chị bằng chị vì chị lớn tuổi hơn em và em muốn từ đây chị nhận em làm một đứa em nuôi của chị. Em biết chị là người hảo tâm “thi ân bất cầu báo”, nhưng nay em có được một số tiền do bạn bè ở nước ngoài gởi về, em muốn san sẻ cùng chị và cháu gái, mong chị đừng từ chối, em buồn lắm đó!

Nói xong, Hoàng nhét phong bì vào túi áo bà ba của Hồng. Hồng rươm rướm nước mắt, nghẹn ngào nói cám ơn Hoàng.

Những ngày hôm sau, trước khi đến quán ca nhạc để đánh đàn, Hoàng thường ghé lại xe bán sinh tố của Hồng và được biết Hồng đang cư trú trong một hẽm nhỏ gần đó. Hoàng đã đến nhà thăm mẹ con nàng. Hiện tại, Hồng đang lo phụng dưỡng cha mẹ tuổi đã già nua.

Vào một chiều hạ tuần tháng Chạp, Hoàng và Mẫn ngồi đối ẩm dưới gốc cây mai trước nhà đang đươm đầy nụ hoa hàm tiếu như chực chờ nở rộ kịp đêm giao thừa thì có hai người đến trước ngõ, một phụ nữ trạc 50 và một thanh niên gần 30 tuổi đứng ngơ ngác, e dè nhìn vào nhà. Mẫn vội chạy ra, hỏi:

_ Xin lỗi chị và cháu muốn tìm ai?

Huỳnh Mai nhận ra Mẫn, vui mừng nói:

_ Anh Mẫn không nhận ra em sao? Em là Huỳnh Mai đây, còn đây là Nghĩa, con trai của em.

Mẫn hớn hở bước tới nắm tay Huỳnh Mai và Nghĩa rồi gọi lớn:

_ Hoàng ơi! Huỳnh Mai và con trai về nè!

Hoàng đứng dậy, chạy khập khễnh ra ngõ, dừng lại nhìn Huỳnh Mai. Huỳnh Mai cũng nhìn chàng, trong giây phút im lặng, tình xưa vụt sống lại mãnh liệt trong lòng hai người với bao nỗi nhớ thương chồng chất theo năm tháng nên họ gọi tên nhau rồi bước tới ôm chầm lấy nhau và khóc sướt mướt. Nghĩa cũng khóc theo cha mẹ. Sau giây phút chạnh lòng.
Huỳnh Mai chỉ Nghĩa và nói qua nước mắt:

_ Đây là Nghĩa, con trai của anh, bây giờ nó là Kỹ sư cơ khí đó anh!

Mẫn quay sang nhìn Nghĩa, đứa con trai giống mình như khuôn đúc, nghẹn ngào gọi:

_ C..o..n ..!

Nghĩa xúc động khi được nghe cha gọi chàng bằng tiếng “con” lần đầu tiên. Chàng cũng gọi cha qua màn lệ:

_ Ba!

Hai cha con ôm nhau, nước mắt hoà chan. Mẫn cũng cảm động, rơi nước mắt. Chàng vội giành lấy tay nắm của hai cái va-ly trên tay Huỳnh Mai và Nghĩa, nhanh nhẩu nói:

_ Thôi, mình vô nhà nói chuyện, để anh kéo hai cái va-ly cho em và cháu.

Trong cảnh sum vầy, Huỳnh Mai kể lại chuyện xưa và trách Trọng phao tin Hoàng tử trận khiến cho nàng phải vượt biển với gia đình Trọng. Hoàng biện hộ cho Trọng:

_ Trọng không dối gạt em đâu, sở dĩ có tin anh tử trận vì lúc bị thương, máu của anh chảy nhiều quá nên anh bất tỉnh, ai cũng tưởng là anh đã chết. Anh mang ơn Trọng đã bảo bọc em và nuôi dưỡng con trai của anh đến lớn khôn và ăn học thành tài. Tất cả đều do định mệnh, Huỳnh Mai à!

Huỳnh Mai rất xúc động khi nhìn tấm ảnh của nàng mặc áo dài màu thiên thanh, đứng dưới gốc cây mai đang nở rộ hoa vàng, trong một ngày Tết năm xưa, nàng đến thăm Hoàng. Ảnh ấy được Hoàng hoạ lớn như một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật, treo ở phòng khách.

Ngày hôm sau, vợ chồng Mẫn và hai đứa con gái cùng hai chàng rể, bốn đứa cháu ngoại đến nhà Hoàng, cùng nhau nấu nướng những món ăn đậm đà hương vị quê hương để đãi Huỳnh Mai và Nghĩa. Vào dịp nầy, Hoàng không quên mời Hồng và đứa con gái là Hạnh đến chung vui. Huỳnh Mai và Nghĩa tặng quà cho gia đình Mẫn, người bạn thân yêu nhứt của Hoàng, chẳng khác chi anh em ruột thịt, đã cùng nhau chia sớt buồn vui, ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời. Họ cũng tặng quà cho Hồng và con gái để cám ơn vị ân nhân đã săn sóc cho Hoàng khi chàng bị Việt Cộng đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hoà trong ngày 30-4-75, khi vết thương cưa chân chưa lành. Trong tiệc vui, Mẫn và Huỳnh Mai yêu cầu Hoàng ca lại những nhạc phẩm Xuân ngày trước. Hoàng tươi cười, lấy cây đàn “thùng” treo trên vách, so dây và ca mấy nhạc phẩm “Bến Xuân”, “Gái Xuân”, “Hoa Xuân”và “Đón Xuân” được mọi người vỗ tay, hoan nghênh nhiệt liệt.

Tết năm ấy, cây mai trước nhà Hoàng trổ hoa vàng rực rỡ như chào đón Huỳnh Mai trở lại. Bên cội mai già, Hoàng và Huỳnh Mai gởi trao bao lời yêu đương nồng thắm, bất chấp nàng đã qua một đời chồng và chàng là một phế nhân vì tâm hồn họ vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu như ngày đầu thệ ước. Huỳnh Mai quyết định làm đám cưới với Hoàng và sẽ bảo lãnh Hoàng sang Mỹ.

Nghĩa đã có cảm tình với Hạnh ở lần đầu tiên gặp gỡ vì cô gái đoan trang, thùy mị, xinh đẹp và duyên dáng. Ngày mùng 2 Tết, Hạnh theo mẹ đến nhà Hoàng thì gặp đủ mặt những người của gia đình Mẫn. Trong khi mọi người ngồi quay quần bên nhau, ăn bánh mức, uống nước trà, Nghĩa mời Hạnh ra gốc cây mai trước nhà cho chàng chụp hình làm kỷ niệm. Muốn tỏ tình với Hạnh và để dò xét nàng có cảm tình với mình không, Nghĩa đã tặng Hạnh một chiếc nhẫn kim cương, mang ý nghĩa cầu hôn. Với vốn liếng tiếng Việt hạn chế mới học được ở mẹ chàng vào những ngày cuối tuần, chàng nói lơ lớ:

_ Anh yêu em. Anh tặng em chiếc nhẫn nầy!

Hạnh biết đó là nhẫn hột xoàn đắt tiền nên tỏ ý không dám nhận. Nghĩa hồi hộp, nói với giọng hơi run:

_ Anh muốn làm chồng em nên anh tặng em nhẫn nầy. Em không nhận, anh sẽ buồn lắm!

Hạnh nửa thẹn thùng, nửa tức cười cho anh chàng người Mỹ gốc Việt tỏ tình thật là ..”tự nhiên” hơn người Sài Gòn! nhưng nàng thấy chàng cũng..dễ thương, khuôn mặt có vẻ hiền lương, thật thà nên nàng im lặng chờ xem chàng tiến thêm bước nữa. Nghĩa ngập ngừng cầm lấy tay Hạnh, nói:

_ Anh xin phép đeo nhẫn cho em.

Thấy Hạnh im lặng, Nghĩa đeo nhẫn cho nàng. Lạ thay! chiếc nhẫn không đo trước mà đeo vào ngón tay của nàng lại vừa y! Hạnh hơi xúc động nói:

_ Em cám ơn anh!

Bỗng có một tràng pháo tay vang lên từ trong nhà, Nghĩa và Hạnh nhìn vào, thấy mọi người bước ra cửa, đứng trước thềm nhà, tươi cười, vẫy tay mừng họ. Nghĩa mắc cở, cười sượng sùng. Hạnh thẹn thùng đỏ hồng đôi má khi trận đông phong thổi lộng về làm rơi rụng những cánh hoa mai vàng trên hai mái đầu xanh.

KHA LĂNG ĐA

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X