Nắng mai len lén lùa qua màn cửa, báo hiệu một ngày nắng đẹp, làm Bích giật mình choàng tỉnh giấc. Nàng vươn vai, kéo màn cửa lên cao cho nắng lùa tràn ngập vào phòng.
Bên ngoài sân, tuyết đã tan gần hết, loáng thoáng đó đây đã ló dạng vài cụm cỏ xanh chen lẫn tuyết cuối mùa. Nơi góc vườn, khóm hoa tulipes đã bắt đầu nhú đọt non xanh màu lá mạ, vươn trên mặt tuyết trắng tinh.
Trên cành cây cao sau nhà, vài con chim ở đâu đã trở về làm tổ, mặc dù cái giá lạnh của mùa đông vẫn còn vương vất đâu đây.
Bích lẩm bẩm:
– Lại đến tết rồi.
Từ phòng tắm ra, Bích loay hoay, bồn chồn hết nhìn ra cửa sổ, lại ở điện thoại xem có ai nhắn tin không, rồi cứ ngồi thừ người trước chiếc bàn phấn nhỏ. Nhìn trong gương, nàng phân vân không biết làm gì hôm nay. Nghĩ đến cành đào ngày tết, nàng toan mặc áo ấm vào rừng sau nhà đốn một cành to vào kết hoa giấy gắn lên, cho căn nhà thêm chút ấm cúng. Nàng vẫn chưa quên những ngày tết xa xưa ở quê nhà, giờ này, mấy chị em đã lăng xăng rủ nhau đi chợ hoa Nguyễn Huệ đem về cho Mẹ vài cành mai chưng ba ngày tết, hay theo chị đi chợ mua lá dong về cho Mẹ gói bánh chưng.
Nghĩ thôi, nhưng lại ngại ngùng, lại muốn đi tìm Thụy Vy tâm sự cho qua một ngày nghỉ mà đối với nàng thật là dài và vô vị.
Cầm chiếc khăn lau mặt bàn phấn cho đỡ bụi, tay nàng chạm vào khung ảnh nhỏ. Nàng cầm lên ngắm nghía, hình hai mẹ con chụp đêm giao thừa năm ngoái khi nàng dẫn bé Tuân đi hái lộc đầu năm. Thấm thoát một năm, một năm đầy sóng gió mà nàng không muốn nghĩ đến nữa.
Chẳng còn tâm địa nào đi tìm hoa với hoét, nàng dứt khoát đứng lên, khoác áo ấm và cầm xâu chìa khoá, xăm xăm ra khỏi phòng, vừa lúc có tiếng chuông gọi cửa rộn rã. Ai đến giờ này mà không báo trước, vào sáng sớm tinh mơ? Chắc là phải vô công rồi nghề như nàng!
Mở cửa ra, Bích ngạc nhiên thú vị. Không cần đi mà cũng gặp. Thụy Vy! Bích reo lên:
– Lạ chưa? Sao hôm nay tự dưng đến thăm Bích thế?
– Rảnh đi ngang qua, vào xem Bích dạo này thế nào, ốm mập ra sao thôi.
Thụy Vy bước hẳn vào nhà, nhìn quanh quất như tìm kiếm ai, rồi lại thở dài. Bích không để ý, hỏi:
– Ăn sáng chưa? Bích nấu chút bánh canh ăn chung nhé.
Rồi không chờ Thụy Vy trả lời, Bích vào bếp, lui cui hâm lại nồi nước dùng, hỏi chuyện luyên thuyên. Vy không trả lời, loay hoay cầm chiếc bình tưới cây đi đi lại lại, tưới mấy chậu hoa, rồi lại cầm chổi phất trần phủi bụi bặm trên chiếc đàn dương cầm đen bóng nơi góc phòng, cằn nhằn:
– Sao dạo này Bích bê bối thế, chẳng bù ngày xưa, tỉ mỉ từng li từng tí cơ mà!
Bích ngừng tay, nhìn ra phòng khách. Đúng vậy. Từ ngày bé Tuân bỏ nhà ra đi, nàng cũng chưa hề mó tay vào lau chiếc đàn cho con. Tự dưng nàng nổi cáu, gắt:
– Mặc kệ Bích! Không việc gì đến Vy. Thế Vy có chịu ngồi im chưa? Vy cứ đi qua đi lại, không mỏi chân thì Bích cũng bị chóng mặt đây.
Thụy Vy không trả lời, tưới nốt hai chậu cây xanh nơi góc phòng khách, rồi vào phòng ăn, ngồi vào ghế, phân vân im lặng.
Chiếc ấm đun nước sôi đang reo vi vút. Bích mở hộp trà, vói một nhúm bỏ vào chiếc bình sứ tráng men trắng, rồi đem ra bàn ăn, để cạnh bình hoa tim tím nhạt, nắng mai từ cửa sổ lùa vào, in hình những cánh hoa be bé xuống mặt bàn ăn bằng đá trắng. Thụy Vy đang lấy tay vẽ vòng vòng trên những cánh hoa đó.
Dường như Bích cũng vừa nhận ra là Thụy Vy đến thăm nàng đột ngột, không hẳn chỉ là tình cờ, hay để xem nàng ốm mập ra sao, mà chắc chắn là có chuyện gì. Vy đâu phải là típ người rỗi rảnh để mà đi thăm
bạn khơi khơi như vậy. Bích đặt hai chén bánh canh lên bàn, nghi ngút khói, rắc vài cọng ngò non xanh mơn mởn, rồi ngồi đối diện với Thụy Vy, hỏi:
– Có chuyện gì đi thăm Bích bất ngờ vậy? Nói đại ra đi.
Vy ậm ừ, gắp bánh canh nếm, rồi gật gù:
– Ngon! Bích khéo nêm nếm đấy, rất vừa ăn…
Bích gắt:
– Bích không hỏi bánh canh! Vy thừa biết Bích không giỏi nấu ăn mà. Hỏi Vy đến có chuyện gì?
Thụy Vy ngừng đũa, ngập ngừng nhìn Bích:
– Dạo này Bích có gặp Thanh Hoa không?
Bích ngơ ngẩn lắc đầu:
– Gặp thì không, nhưng thỉnh thoảng liên lạc điện thoại thôi. À, Bích còn chưa trả lời thư của Thanh Hoa mời đi khai trương tiệm thuốc mới.
– Thế Bích có định đi dự lễ khai trương không?
– Bích chưa biết! Bích biết nó vẫn còn giận Bích về chuyện bé Tuân, nên Bích vẫn ngại chưa trả lời.
Rồi Bích hỏi lại:
– Nhưng chuyện gì chứ? Thanh Hoa có gì không ổn sao?
Thụy Vy lơ là, nói lảng sang chuyện khác:
– Không! À, giao thừa năm nay có đi lễ chùa không?
Bích chưa kịp trả lời thì chuông điện thoại reo vang. Nàng uể oải đứng lên, liếc nhìn vào số điện thoại hiện lên trên khung kính nhỏ, rồi lại liếc nhìn Thụy Vy. Không sai, là số của Thanh Hoa. Rõ ràng không phải là chuyện tình cờ. Hai đứa này có chuyện gì đây? Hoa không bao giờ gọi nàng vào giờ sớm thế này.
Nàng nhấc điện thoại:
– A lô!
Bên kia đầu giây, Thanh Hoa trả lời cấm cẳn:
– Thụy Vy nó đang ở bên bà phải không? Nó có nói gì với bà chưa?
Nghe giọng nói đó, Bích biết có chuyện gì không ổn rồi. Nàng liếc nhìn vào phòng ăn, không trả lời câu hỏi của Thanh Hoa, hạ giọng hỏi nhỏ:
– Chuyện gì thế Hoa? Sáng sớm đã gọi. Có sang đây ăn sáng chung với Bích không?
Cũng vẫn cái giọng bực dọc ấy, Thanh Hoa gắt:
– Đâu nhàn rỗi thế! Đang bù đầu với cái vụ khai trương ngày mốt đây, ăn với chả uống.
Rồi không đợi Bích trả lời, Thanh Hoa vào đề luôn:
– Bà có muốn biết tin thằng con nuôi trời đánh của bà không? Ông Khanh vừa gặp nó hôm kia, đi chung với một đám đầu trâu mặt ngựa, ở sòng bài đi ra. Trông như một đám tướng cướp!
Bích giật thót người, đứng thẳng dậy, kéo chiếc ghế lại gần:
– Sao mãi đến hôm nay mới báo cho Bích?
– Ông Khanh bảo Hoa mặc kệ nó, nhưng Hoa bực quá bảo Thụy Vy nói cho bà biết đấy. Nó đã nói chưa?
Bích khổ sở:
– Chưa! Hèn gì sáng sớm hôm nay Vy đã mò qua nhà Bích, nhưng không nói gì cả.
– Thì đúng rồi, nó bênh bà chằm chằm mà…
Bích ngắt lời:
– Bây giờ bé Tuân ở đâu? Làm sao gặp nó?
– Ở đâu, ở đâu? Cuỗm sạch vòng vàng nữ trang, tiền mặt của bà rồi thì ở mấy sòng bạc chứ ở đâu. Tôi có nói gì bà cũng có nghe đâu. Dạo nó bị nhà trường đuổi học, bỏ nhà đi, tôi đã bảo bà thay ổ khóa đi, không nghe! Bây giờ trắng mắt ra chưa? Nó còn mò về nữa chứ chưa hết chuyện đâu.
Ngừng một lúc để… thở, Thanh Hoa gằn giọng:
– Tôi bảo ông Khanh rồi, nó không may mà gặp ổng lần nữa thì cứ gọi cảnh sát bắt thẳng tay.
Bích bật khóc:
– Bích xin Hoa, đừng làm vậy. Tiền bạc là vật ngoại thân mà, mất rồi thì thôi, mai mốt sắm lại. Nếu gặp bé Tuân, xin khuyên nó về nhà, rồi Bích sẽ từ từ khuyên bảo nó.
Thụy Vy đã đến sau lưng nàng từ bao giờ, áy náy đưa cho Bích chiếc khăn giấy. Đầu giây bên kia, Thanh Hoa bực dọc:
– Từ từ, từ từ! Từ từ để nó bóp cổ bà lấy hết tiền, rồi giết bà như giết con chuột, lúc đó mới hiện hồn về kêu cảnh sát chắc?
Bích gào lên:
– Không! Bé Tuân tuyệt đối không cư xử với Bích như vậy. Bích xin Hoa, cho Bích biết ông Khanh gặp nó ở đâu, Bích sẽ đi tìm nó.
Thụy Vy đỡ chiếc điện thoại trên tay Bích, ra dấu bảo Bích im, rồi nói:
– Thanh Hoa, đủ rồi, để Vy nói chuyện với Bích sau. Nhưng không được làm gì quá đáng nghe. Nhớ lời Vy đó. Bích chỉ có mỗi bé Tuân…
– Con ruột của nó đâu mà nó cứ phải sợ như ông Trời con. Hèn gì mà chẳng ra nông nỗi này. Bán xì ke ma túy chán, bị trường đuổi, bây giờ lại bỏ cả học ăn cắp hết đồ đạc của mẹ nó đi cờ bạc. Không bắt nó thì để làm gì?
Thụy Vy nói khẽ:
– Dù gì trên danh nghĩa, nó cũng là con của Bích, và Vy cũng có phần trách nhiệm đã làm thủ tục cho Bích nhận nó làm con nuôi. Chuyện đến nước này, cứ để Vy giải quyết chuyện này với Bích được không? Vy năn nỉ Thanh Hoa đấy, gặp bé Tuân thì báo cho Vy biết để Vy tìm cách đưa nó về cho mẹ nó.
– Biết ngay mà. Nhờ bà cũng như không. Trước sau gì hai bà cũng đứng cùng phe mà. Từ nay tôi mặc, có gặp nó ở đâu tôi cũng không báo. Đến lúc nó mò về bóp cổ cho lè lưỡi ra thì đừng trách tôi không cảnh cáo!
Thụy Vy thở phào nhẹ nhõm. Nàng biết Thanh Hoa chỉ miệng cứng lòng mềm. Bên kia, Thanh Hoa đổi giọng:
– Ngày mốt, hai bà đi dự lễ khai trương phòng thuốc của tôi chứ?
Thụy Vy gật đầu:
– Vy sẽ đến, và…
Thụy Vy nhìn Bích dò hỏi. Bích sẽ gật đầu, rồi ôm đầu vào hai lòng bàn tay.
– và… Bích cũng sẽ đến.
Buông điện thoại xuống, Vy gọi:
– Bích!
Bích ngẩng đầu lên, buồn thảm:
– Bích không biết phải làm sao? Thanh Hoa nó nóng nảy lắm, có làm gì hại đến bé Tuân không?
Thụy Vy lắc đầu:
– Nó chỉ ồn ào như vậy thôi, không có gì đâu. Để Vy từ từ bảo nó.
Rồi nàng băn khoăn:
– Còn Bích? Bích tính sao nếu tìm được bé Tuân?
Bích quả quyết:
– Bích sẽ khuyên bảo nó, Bích tin là tình thương yêu của Bích sẽ cảm hóa được nó, mình trao ra bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu mà, Vy tin Bích đi.
Thụy Vy khẽ thở dài, cầm tay Bích không nói.
– Chuyện hôm nay, cũng là lỗi tại Bích một phần. Bích cứ mải làm lụng đã không theo sát dạy dỗ được con. Bích tin là nó chỉ bị bạn bè cám dỗ nhất thời thôi. Bản chất bé Tuân hiền lương, Vy giúp Bích tìm bé Tuân về cho Bích nhé.
Tiễn Thụy Vy ra cửa rồi, Bích ngồi thừ người ra, lòng tan nát. Nàng đến bên bàn thờ, thắp một nén hương, khấn vái. Ngày lễ ngày tết, mà bàn thờ lạnh tanh hương khói. Mọi năm thì nàng còn hăng hái đi chợ, nấu nướng cúng giỗ, bày biện bàn thờ, trầm hương thơm ngát cả căn nhà rộng. Bây giờ, ở nhà thui thủi ra vào, bày vẽ làm gì cho mệt.
Rồi nhớ đến buổi khai trương tiệm thuốc của Thanh Hoa ngày mốt, nàng vào phòng làm việc, mở ngăn kéo lục lọi tìm tấm thiệp chúc mừng. Mắt nàng dừng lại trên chiếc phong bì màu tím nhạt, đựng tấm thiệp mà ba cô bạn thân đã ký chung tặng nàng tháng trước, sau một chuyến cùng nhau đi làm từ thiện. Nàng vẫn giữ mãi không bỏ, vì yêu thích câu thơ trên tấm thiệp mà chắc hẳn là ba cô bạn đã phải dày công tìm kiếm để tặng riêng nàng:
Une fleur laisse un peu de son parfum sur la main de celui qui la donne.
A flower leaves a little perfume on the hand of the one who gives it.
mà nàng đã lẩn thẩn viết thêm vào bên dưới mấy câu thơ con cóc do nàng tự dịch:
Hoa thơm khi đã trao người,
Tay ai còn thoảng ngát mùi phấn hương
Nghĩ sao, Bích chọn một tấm thiệp không có chữ và tự tay viết mấy câu thơ này vào, rồi chạy ra tiệm hoa đầu đường, đặt chậu hoa rồi kèm tấm thiệp vào, dặn người trong tiệm ngày mai gửi đi.
********
Bích vừa xếp xong đĩa hoa quả đem ra xe để sửa soạn đi lễ giao thừa, thì Thụy Vy đến, bóp còi inh ỏi trước sân nhà. Bích choàng vội chiếc áo khoác, ra xe, bảo Vy:
– Đi xe của Bích, Bích đã đặt bánh trái hoa quả vào trong xe cả rồi.
Xe lăn bánh trên đường đêm êm ả. Giờ này thành phố đã yên nghỉ, hương đêm dịu mát thật dễ chịu. Bích vói tay vặn nhạc nho nhỏ : “Hiu hiu, hương tự ngàn xa, bỗng quay về dạt dào trên hè, ngoài trời khuya”. Xe chạy qua những con đường êm vắng, dưới ngọn đèn đường tỏa ánh sáng dìu dịu. Tiếng nhạc vẫn dặt dìu: “nhẹ bàn chân nhân gian ơi, nhẹ bàn tay hương đêm ơi”… Bích gợi chuyện:
– Hôm qua Bích bận trực phải về sớm. Vy ở lại tiệm thuốc của Thanh Hoa có lâu không?
Thụy Vy lắc đầu:
– Vy cũng chỉ ở độ nửa giờ rồi về. Thấy Hoa bận và đông khách khứa quá nên cũng không dám ở lâu.
Rồi Vy ngập ngừng:
– Thanh Hoa vẫn còn trẻ con quá. Nó đọc tấm thiệp của Bích lại nổi giận đùng đùng.
Bích ngạc nhiên:
– Nổi giận? Bích có làm lỗi gì đâu?
Vy gật đầu:
– Thì đúng, nhưng nó bảo là Bích ngu lắm, chỉ quân tử Tàu. Nó vẫn đem chuyện thằng bé Tuân ra nhiếc móc Bích. Thì đấy, trao cho lắm vào rồi gặp quả đắng đấy.
– Thì ra thế! Nhưng Bích, thì Bích lại nghĩ khác Vy ạ. Không có nhân nào gieo mà không có quả. Chỉ là sớm hay muộn thôi. Huống chi, tình mẫu tử, chỉ khi nào có con rồi thì nó mới hiểu được.
Thụy Vy gật đầu:
– Chung qui, nó cũng chỉ lo lắng cho Bích thôi. Nó sợ thằng bé đi quá trớn sẽ làm tổn hại thêm đến Bích. Nếu biết có ngày hôm nay, thì xưa kia, Vy cũng không hăng hái đi đi về về Việt Nam mấy bận để làm thủ tục giúp Bích xin nó làm con. Nghĩ lại, Vy cũng ân hận.
– Bé Tuân cũng đáng thương mà. Lần đó, nếu không nhờ có phái đoàn y tế về cứu giúp không chừng nó đã chết vì sốt rét trong viện mồ côi rồi. Cũng là duyên phận, đưa đẩy cho Bích cứu lại nó.
Gần đến chùa, xe cộ đã nườm nượp thật khác với ngày thường sân chùa lúc nào cũng thoáng thoát, rộng rãi. Bích loay hoay mãi mới tìm được chỗ đậu xe. Đôi bạn chia nhau hoa quả bưng vào chánh điện, mùi trầm hương tỏa ngát cả một gian phòng. Trên cao, tượng Phật uy nghiêm mờ mờ trong hương khói. Bích ngẩng nhìn, vừa đi vừa thành tâm khấn vái.
Chen mãi mới vào được cái cây to đặt ngay góc bên phải của bàn thờ, cây chi chít cành, gắn đầy lộc cho khách hành hương lấy hên đầu năm. Bích vói tay ngắt một cành lộc, nghĩ sao lại ngắt thêm một cành nữa. Nàng quay sang phân trần với Thụy Vy:
– Bích xin lộc cho bé Tuân.
Vy cười thông cảm, chắp tay lâm râm khấn vái rồi cũng vói tay hái cánh lộc đầu năm. Nghĩ sao, nàng cũng ngắt thêm một cành lộc nữa:
– Cho Thanh Hoa, nàng nói.
Chợt có tiếng ồn ào láo nháo từ bên ngoài đường đưa vào, rồi tiếng chân người chạy rầm rập. Mọi người nhốn nháo nhìn ra xem chuyện gì:
– Có người bị đánh ngất xỉu đằng trước cổng chùa, mau mau kiếm xe cứu thương. Ở đây, có ông bà nào là bác sỹ không? Cứu dùm….
Bích rẽ đám đông, vội vã tiến ra phía có tiếng ồn ào đàng trước:
– Có tôi, để tôi giúp…
Thụy Vy theo bén gót. Đám đông rẽ ra nhường chỗ cho hai nàng. Người đàn ông đặt cậu trai trẻ độ 16, 17 tuổi trên tay xuống bậc thềm nơi chánh điện, đầu cậu bé ngoẹo sang một bên, trên mặt một vết máu chạy dài. Bích thảng thốt:
– Bé Tuân! Vy ơi, bé Tuân…
Rồi vội đưa chìa khóa xe cho Thụy Vy:
– Ra xe lấy cho Bích hộp đồ cứu cấp, để ngay băng sau.
Nâng đầu con lên quan sát một lúc, Bích quay lại:
– Làm ơn cho tôi xin thau nước ấm, và chút thức ăn lỏng.
Vài ba người đứng gần vội vã chạy đi tìm nước và xuống bếp nhà chùa xin chút cháo lỏng, người khác đi tìm điện thoại gọi xe cứu thương, vừa lúc Thụy Vy quay vào với hộp cấp cứu. Vài cụ già thấy thế chép miệng:
– Tội nghiệp, con cái nhà ai mà ngày tết ngày nhất lại lang thang cho chúng đánh khốn khổ như thế này?
Bích rơm rớm nước mắt:
– Nó là con của cháu.
Bà cụ chép miệng:
– Rõ khổ!
Thằng bé vẫn thiêm thiếp, miệng ú ớ trong mơ :
– Mẹ, mẹ…
Bích tràn nước mắt, khám xét một lúc, lấy khăn ấm lau chùi vết thương, khử trùng cẩn thận, rồi cùng Thụy Vy đút vài thìa cháo cho bé Tuân.
Tiếng xe cứu thương hú còi vang dậy cả góc đường. Cậu bé giật mình, mấp máy môi một hồi rồi mở mắt ra ngơ ngác nhìn chung quanh, như chưa tin là mình còn sống. Nhưng khi vừa nhìn thấy Bích, bé Tuân hốt hoảng:
– Mẹ!
Bích chưa kịp phản ứng thì thằng bé đã vùng dậy, chạy bay ra khỏi sân chùa, không ai tưởng tượng được trước đó chỉ mấy phút nó còn nằm thiêm thiếp, mê man bất tỉnh!
– Két! Két.. két….
Tiếng xe rít lên trên mặt đường, rú lên rùng rợn. Hốt hoảng, không chần chờ một giây, Bích lao ra đường, bất chấp mọi việc. Không phải là trong mơ, bé Tuân vừa gọi nàng là “Mẹ” đó sao. Bản tính của người mẹ khiến Bích bất chấp hết.
– Két! Két… két…
Nàng lao ra giữa con phố, ôm chặt lấy bé Tuân đang nằm sóng xoài dưới đất:
– Bé Tuân! Tội nghiệp con của mẹ.
Lại hàng trăm tiếng xe rít lên trên mặt lộ, rung chuyển cả con phố.
Thụy Vy tách đám đông, thảng thốt vừa khóc lóc thảm thiết, vừa kêu:
– Bích! Bích ơi! Sao dại dột thế hở Trời?
Mọi người trong chùa và hàng xóm túa nhau ra đường xôn xao. Cả một đoàn xe nối đuôi nhau dồn cục lại. Bác tài mở cửa xe bước ra la lối:
– Hai mẹ con bà kia. Muốn tự tử thì kiếm chỗ khác. Sao lựa ngay xe tôi mà đâm đầu vô chứ? Gặp tay mơ, không thắng lại kịp thì mẹ con bà đi chầu Diêm Vương rồi.
Bích như điên như dại, chỉ còn biết ôm chặt lấy con mà khóc. Bé Tuân cũng vừa choàng cơn sợ hãi, mở mắt ra rồi lại nhắm chặt lại để nghe từng giọt nước mắt của Mẹ thấm qua làn tóc rối bời bời.
Bích vuốt tóc con:
– Lạy trời. Lạy trời! Tội nghiệp con tôi!
Bé Tuân khe khẽ gọi trong cổ họng:
– Mẹ! Mẹ!
Giây phút này, Tuân chỉ muốn vĩnh viễn nằm trong vòng tay của mẹ, nghe hơi thở ấm áp và từng ngón tay của mẹ đang luồn vào tóc. Cũng bàn tay ấy, đã hai lần lấy về mạng sống cho Tuân. Ô hay! Lạ quá! Trong cơn mơ màng ngây ngất, dường như bé Tuân cảm được từ bàn tay của Mẹ đang dịu dàng tỏa ngát một mùi hương?
Hải Phong