Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?

Bài 6. Văn học dân gian

Văn học nước ta bao gồm hai bộ phận chính: Văn học thành văn và văn học dân gian. Văn học thành văn tồn tại dưới hình thức văn bản cố định, gắn liền với văn hoá ký tự và phong cách cá nhân. Văn-học dân-gian chủ yếu được truyền miệng từ người này qua người khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Tự ngàn xưa, cổ nhân đã dạy rằng muốn hiểu bản chất của một chế độ, hình ảnh một thời lịch sử  thì chỉ cần xét tinh thần, tình cảm của người dân sống trong chế độ và ở thời kỳ đó được phản ánh qua thơ, nhạc, ca dao, tục ngữ lưu truyền trong dân gian.

Mang phong cách thể loại và phong cách địa phương, văn-học dân-gian thể hiện rõ rệt tâm tư chung của thời đại và thực sự là những tiếng nói của đám đông, của quần chúng vô danh và thầm lặng.

Việc dùng văn hóa dân gian để phẩm định bản chất của văn hóa XHCN sẽ gặp vấn đề là một mảng lớn văn hóa dân gian không phải do quần chúng vô danh sáng tác mà lại do các văn công cộng sản áp dụng phương pháp “bình cũ rượu mới” có nghĩa nội dung là ca tụng Bác và Đảng (rượu mới) để vào bình cũ (ca dao, vè, vọng cổ …) giả dạng dân gian sáng tác, thí dụ như :

  • Ca dao, câu vè ca tụng Bác và Đảng,
  • sáng tác” rất nhiều bài dân ca với làn điệu mỗi vùng để cổ võ văn hóa XHCN. Chủ yếu là các làn điệu chèo và ca trù… ở Bắc Bộ; các làn điệu hò, ví… ở Trung Bộ và các làn điệu hò, lý, vọng cổ… ở Nam Bộ.

Các văn công bắt chước dân chúng xử dụng dân ca trong sáng tác âm nhạc tuyên truyền, thường dưới 3 dạng chính.

Dạng thứ nhất là soạn lời mới như ca tụng Hồ Chí Minh, đảng cộng sản … lồng vào làn điệu dân ca của mỗi miền.

Dạng thứ hai là dùng một làn điệu dân ca nào đó rồi cải biến, hoặc xử dụng chất liệu cách mạng XHCN trong làn điệu ấy làm chủ đề âm nhạc để sáng tác.

Dạng thứ ba là xử dụng một làn điệu dân ca không rõ rệt của một làn điệu cụ thể nào nhưng vẫn nghe phảng phất, thoang thoảng hương sắc dân ca của một vùng miền cụ thể trên đất nước Việt Nam. Trong khi sáng tác, văn công khéo léo ca tụng cách mạng XHCN theo âm hưởng dân ca một vùng miền nào đó để ca ngợi công ơn to lớn và đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh trong những chương trình dân ca trên sóng phát thanh – truyền hình trung ương và địa phương. Dưới đây là các làn điệu dân ca được phổ biến nhiều (chèo, vọng cổ, ca dao) của văn hóa XHCN.

Làn điệu dân ca miền Bắc

Các bài hát chèo ca tụng:

– Hồ Chí Minh: Mừng sinh nhật Bác 19/5, Quê hương ơn bác, Mùa thu nhớ Bác, Nhớ Bác kính yêu… Hương sen dâng Bác,

– Đảng: Lời ca dâng Đảng, Hát chèo về Đảng, Lời ca mừng Đảng, mừng xuân, Miền quê ơn Đảng, Niềm tin có Đảng dẫn đường, Nghĩa Đảng tình dân.

Một số rất ít bài có làn điệu ca trù, hát xẩm ca tụng bác và đảng thí dụ: Xẩm tiếp bước theo Đảng.

Làn điệu dân ca miền Nam

Có rất nhiều bài vọng cổ ca tụng Hồ Chí Minh và Đảng, thí dụ như: Lời ca dâng Bác, Về thăm quê Bác, Nhớ mãi ơn Người, Miền Nam mong Bác, Ơn Đảng, Bác ơi, thương nhớ nào nguôi …

Ca dao

Ca dao là một bài thơ ngắn (thường là lục bát) từ hai câu trở lên do một người làm ra, rồi qua miệng từng người, dần dần được sửa đổi (một cách ngẫu nhiên) cho đến khi được hoàn chỉnh, tức là đã phản ánh trung thực tâm lý, tình cảm quần chúng đối với một cá nhân (quan viên trong làng xã, vua quan) hoặc đối với một sự kiện lịch sử.

Ca dao thực sự là những tiếng nói “tình cảm” của đám đông, của quần chúng vô danh và thầm lặng. Vì vậy mà cổ nhân đã dạy rằng là muốn tìm hiểu bản chất một ông quan, ông vua thì chỉ cần xét tinh thần của người dân sống dưới sự cai trị của ông quan đó. Tuy nhiên, làm thế nào để biết được tinh thần người dân? Tinh thần người dân luôn luôn được phản ánh qua thơ, nhạc nhất là ca dao lưu truyền trong dân gian.

Trong văn hóa XHCN, có 2 loại ca dao: ca dao của nhân dân và ca dao của chính quyền tạo ra. Làm sao phân biệt?

1) Ca dao của nhân dân. Từ xưa đến nay, trong chính trị, ca dao là tiếng nói tình cảm của đa số thầm lặng bị áp bức để chỉ trích, ta thán, châm biếm chua cay có khi trở thành tục tĩu về sự bạo ngược của chế độ như vài thí dụ sau:

Đi làm hợp tác hợp te
Không đủ miếng giẻ mà che cái l**

Ngày xưa tem phiếu vải thô,
Em mặc không đủ, Bác Hồ lòi ra.

2) Ca dao sáng tác bởi văn công của chế độ. Các câu ca dao này được nhận diện dễ dàng bởi 2 dạng sau:

  • Dạng ca tụng lãnh tụ và đảng với mục đích chính là tuyên truyền,
  • Dạng có tên tác giả dưới câu ca dao, bài vè.

Theo truyền thống sáng tác văn học dân gian, tác giả của ca dao, bài vè chính là dân gian. Một bài thơ hay câu vè có ghi tên tác giả thì không được coi là ca dao hay vè. Trái lại, theo quan niệm của văn hóa XHCN thì cần phải ghi tên tác giả của câu ca dao hay vè để ghi công với Đảng. Vì vậy mà trong cuốn “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” đã tái bản đến 10 lần, nhà văn khả kính Vũ Ngọc Phan đã cẩn thận ghi tên tác giả của từng bài ca dao, bài vè trong phần “Ca dao chống Mỹ cứu nước”, với nhiều câu vè ca ngợi bác và đảng, dài đến 40 trang sách, để thỏa mãn yêu cầu của những người lãnh-đạo đảng[1].

Từ năm 1975, sáng tác văn nghệ phục vụ văn hóa XHCN mỗi ngày một nghèo nàn dần rồi biến mất? Nếu đặt câu hỏi tại sao thì chỉ cần đọc lại lời chỉ đạo văn hóa của Hồ Chí Minh và Trường Chinh sẽ tìm thấy câu trả lời.

Hồ Chí Minh nói: “Văn hóa mới là văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”.
Trường-Chinh chỉ đạo mục đích sáng tác là: Thắng địch, giữ nước”.

Trong nhiều năm chiến tranh chống Pháp và xâm chiếm miền Nam, các lời chỉ đạo trên là yếu tố gợi hứng cho mọi giới văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa. Từ 1975, chiến tranh xâm lăng miền Nam đã chấm dứt thì yếu tố nào sẽ cổ động, gợi hứng cho sáng tác văn hóa? Trong khi chờ đợi câu trả lời của Đảng thì mục đích của văn hóa “Thắng địch, giữ nước” đi dần vào quên lãng và toàn dân đã quay về văn hóa cổ truyền.

[1] Vũ Ngọc Phan, Vũ Ngọc Phan toàn tập, NXB Văn Học, Hà Nội, 2010

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

XEM NHIỀU NHẤT

166FansLike
0FollowersFollow
16SubscribersSubscribe

X