Người cộng sản thất trận văn hóa như thế nào?

Bài 13. Hình ảnh xã hội mơ ước

Trong thời bao cấp (1956-1986), người dân miền Bắc đã sống thực đời sống vật chất của xã hội tương lai chứ không phải sống với “ảo ảnh về một thiên đường dưới thế” như tư bản tuyên truyền. Trong thời bao cấp, đời sống vật chất của mọi người dân đều được nhà Nước lo liệu cho từ A tới Z tức là từ cây kim sợi chỉ, cơm ăn áo mặc cho đến công ăn việc làm, nhà ở … Để thực hiện được một xã hội công bằng, lý tưởng như thế thì hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được nhà Nước quản lý theo chế độ “cấp phát – giao nộp” có nghĩa nhà Nước độc quyền thu mua mọi hàng hóa sản xuất rồi nhà Nước độc quyền phân phối mọi mặt hàng đến mọi người dân qua chế độ tem phiếu.

Chương này đặc biệt giới thiệu tài liệu hình ảnh và văn thơ mô tả xã hội thời bao cấp bởi các nhân chứng kể lại kinh nghiệm sống thực sự trong xã hội ước mơ đó như thế nào qua:

  • Sách, vần thơ, video, triển lãm đời sống bao cấp,
  • Câu ca dao, vần vè,
  • Hình ảnh, biếm họa
  • Video YouTube kể lại thời bao cấp như Tết, Mì không người lái, các nghề, món ăn, thầy giáo, “Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37[1]

Tài liệu thời bao cấp

Sách

Rất nhiều sách giá trị của các nhân chứng là nhà văn, nhà báo, họa sĩ đã sống trong thời kỳ đó. Đặc biệt nhất là trong cuốn sách Thương nhớ thời bao cấp, các tác giả Thành Phong – Hữu Phong đã tái hiện lại hơi thở, nhịp sống thời bao cấp bằng những bức tranh vô cùng sống động kèm với câu ca dao, câu vè, những biển hiệu bán hàng, khúc đồng dao …  phản ánh tình cảm chua sót, nực cười cay đắng, vừa giận vừa thương, vừa muốn quên đi vừa không thể không nhớ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa nghèo đói tận mạng. Hiển hiện trong những câu thành ngữ, tục ngữ tranh vẽ là một thời kỳ đầy khó khăn, với những nỗi lo lắng nhọc nhằn, sự thiếu thốn nhu yếu phẩm căn bản như cái khăn mặt, túi cá khô, một cuốn sổ gạo hay cục gạch xếp hàng.

Câu nói “cửa miệng”, câu ca vần vè miêu tả hiện thực đời sống với nhiều mảng màu khác nhau  diễn tả tâm tư con người thời ấy “đề kháng” với nỗi khổ không phải bằng sự oán thán, lời kêu ca mà bằng thái độ tự trào để sống.

video

Ngày nay video là nguồn tài liệu quí giá rất sống động cho người nào muốn biết hoặc nghiên cứu thời bao cấp. Quí độc giả chỉ cần vào YouTube, tìm “thời bao cấp” là hiện ra một danh sách mấy chục video bằng hình ảnh và đủ các mẩu chuyện vui buồn của thời này như: ăn Tết, mua gạo thịt, xếp hàng, nhà tập thể, đời sống cô giáo, làm chuyện ấy và tội hủ hóa …

TRIỂN LÃM
TRIỂN LÃM BAO CẤP “CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ” NGÀY, 8/12/2016, TÁI HIỆN KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỦA HÀ NỘI NHỮNG NĂM 1945-1990 DIỄN RA TẠI ĐẠI HỌC HÀ NỘI (NGUYỄN TRÃI, THANH XUÂN, HÀ NỘI)

Ngày 30/12/18, tại 70 Nguyễn Du (Hà Nội) khai mạc triển lãm “Ký ức Hà Nội”, thời bao cấp gồm:

  • Ra mắt sách “Tập thể cũ Hà Nội – Ký hoạ và hồi ức”,
  • Trưng bày 250 bức ký họa cũng là những sáng tác trong cuốn sách,
  • Ký họa & hồi ức” của các họa sĩ chuyên và không chuyên của nhóm Urban Sketchers.
  • Hoạt động trải nghiệm bữa cơm thời bao cấp. Triển lãm “Ký ức Hà Nội

(A, B) Hình vẽ những khu nhà tập thể hình tổ ong, quán phở phố cổ người mua phải xếp hàng, cửa hàng mậu dịch, bàn thờ Tết với bánh pháo, hộp mứt, gói thuốc lá, chai rượu chanh

(C) Chuỗi hoạt động triển lãm, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội thời bao cấp diễn ra từ ngày 30/12/2018 đến 31/1/2019 tại số 70 Nguyễn Du, Hà Nội. Con cháu hiện nay được trải nghiêm một bữa cơm thời bao cấp, với những món ăn quen thuộc như lạc rang muối, cà pháo, rau muống, cơm độn sắn, bo bo, canh cua rau sam tập tang với câu thơ nhái thơ Nguyễn Khuyến:

Tô canh lạnh lẽo nước trong veo,
Một miếng thịt heo bé tẻo teo.

Triển lãm “Thương nhớ thời bao cấp“ tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Institut francais de Hà Nội, số 24 Tràng Tiền, Hà Nội) ngày-17/8/2018 đến hết ngày 31-8. Hai hoạ sĩ Thành Phong và Hữu Khoa đưa người xem trở về quá khứ với những hình ảnh “cười ra nước mắt” dưới đây:

Thơ

NHỚ THỜI BAO CẤP

Chợt nhớ lắm cái thời xa xưa ấy
Một lát sắn khô cõng mấy hạt cơm
Gạo mốc rồi nào có còn mùi thơm
Lưng nồi nhỏ mẹ lựa đơm từng bát.

Cá mặn chát ăn dè qua ngày tháng
Ô phiếu nào mẹ dặn xếp hàng mua
Miếng thịt mỏng teo và bố nói đùa
Hôm nay nhé nhà mình vui đại tiệc
. (Thơ Nghiêm Ánh Tuyết)

Có thể nào quên
những ngày một bữa cơm chỉ là củ khoai,
cõng thêm vài hạt gạo,
Sắn gạc nai.
(Thơ Hoàng Lan)

HÀNG THỜI BAO CẤP ĐƯỢC PHÂN,
XẾP HÀNG CŨNG PHẢI NHANH CHÂN MỚI CÒN,
BAO ĐÊM GIẤC NGỦ KHÔNG TRÒN,
GIÓ LÙA, CHỒNG VẮNG, RÉT HƠN NGOÀI TRỜI. (THƠ HOÀNG VIỆT THẮNG)

Bụng to mà chẳng dám ngồi,
Vẫn rửa chuồng lợn, nấu nồi cám to,
Còn bao nhiêu thứ phải lo,
Tã, khăn chờ đợi con thơ chào đời,

ĐẾN KHI ĐÃ Ở RIÊNG RỒI,
MỘT GIAN TẬP THỂ CHIA ĐÔI HAI NHÀ,
CHỒNG THÌ BỘ ĐỘI Ở XA,
CƠM NIÊU, NƯỚC LỌ, VÀO RA MỘT MÌNH (THƠ ĐỖ XUÂN PHONG)

Bùi ngùi nhớ chuyện ngày xưa
Cái thời bao cấp sớm trưa xếp hàng
Buồn vui tới độ ngỡ ngàng
Phì cười chưa hết đã sang sụt sùi

Trời còn tối thụi tối thui
Thùng xô xủng xoảng nếm mùi chen chân
Vòi nước ri rỉ dần dần
Đến trưa cũng đủ đến phần cho anh

Tay cầm tem phiếu chạy nhanh
Ba lạng thịt, mấy bát sành Hải Dương
Xếp hàng tới tận mép đường
Có giấy giới thiệu mua liền trước tiên. (
Thơ Sinh Hoàng)

Việc gì cùng cần có ưu tiên
Mua vé tàu xe lắm nỗi phiền
Thôi thì chạy chọt dân phe vé
Không thì cứ đợi… đợi triền miên

Thời bao cấp mình khổ biết bao
Đào kênh, đắp đập, lại thông hào
Đi làm tính điểm, đinh từng xuất
Nhiều khi nhịn đói bụng cồn cào. (
Thơ Trần Thị Phượng)

 NHỚ NỒI CƠM CỦA MẸ

Nhớ ngày xưa khi còn thời bao cấp
Một nồi cơm hấp đầy sắn ngô khoai
Lũ trẻ con ngồi nhai cơm ể oải
Xơ sắn non tước hàng sải xếp dài

Một thời bao cấp ngóng trông
Chia tem, phát phiếu xếp chồng chờ mua
Bữa ăn cơm ít ngô nhiều
Thức ăn có muối với niêu tương cà

 Một thời bao cấp đã qua
Đói ăn thiếu mặc nay xa lắc rồi
Không còn phân phối anh, tôi
Ăn ngon mặc đẹp xe hơi điều hòa

 Chợt nhớ lắm cái thời xa xưa ấy
Một lát sắn khô cõng mấy hạt cơm
Gạo mốc rồi nào có còn mùi thơm
Lưng nồi nhỏ mẹ lựa đơm từng bát.

Cá mặn chát ăn dè qua ngày tháng
Ô phiếu nào mẹ dặn xếp hàng mua
Miếng thịt mỏng teo và bố nói đùa
Hôm nay nhé nhà mình vui đại tiệc.(
Thơ  Nghiêm Ánh Tuyết)

CÓ THỂ NÀO QUÊN
NHỮNG NGÀY MỘT BỮA CƠM CHỈ LÀ CỦ KHOAI,
CÕNG THÊM VÀI HẠT GẠO,
SẮN GẠC NAI
LÓT DẠ QUA NGÀY.

Tay cầm tem phiếu chạy nhanh
Ba lạng thịt, mấy bát sành Hải Dương.
Xếp hàng tới tận mép đường
Có giấy giới thiệu mua liền trước tiên.

Đong gạo không phải mất tiền
Mười ba kí chẵn chỉ phiền lẫn khoai.
Người đông lại xếp hàng dài
“Vui lòng khách đến” đọc hoài không quên*. (
Thơ Đõ Xuân Phong)

Nhớ thời bao cấp nghĩ mà vui
Giữ gìn tem phiếu tựa con ngươi.
Nếu mà đánh mất là như đói
Sổ gạo to hơn cả lệnh giời.

Văn hóa văn minh đứng xếp hàng
Mua từ lạng thịt đến hòn than…
Vải mua tem phiếu luôn luôn thiếu
Oách nhất cô mậu dịch bán hàng. (
Thơ Sinh Hoàng)

Một thời bao cấp ngóng trông
Chia tem, phát phiếu xếp chồng chờ mua
Bữa ăn cơm ít ngô nhiều
Thức ăn có muối với niêu tương cà

Đời sống thường nhật

Nhà ở tập thể

Cùng với bao cấp lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, nhà Nước cũng phụ trách việc phân phối nhà ở cho người dân nhất là ở thành phố. Nhiều khu nhà tập thể nhiều tầng được xây dựng theo mô hình Liên Xô trong các thành phố, phân cho các cán bộ, công nhân viên nhà Nước. Người dân chỉ việc ở, còn việc sửa chữa mọi hư hỏng thì Sở Nhà Đất lo.

Đời sống trong không gian nhà tập thể như thế nào? Thi sĩ Lưu Quang Vũ miêu tả cái không gian đó như sau:

“Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi

 Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo.

 Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo,

 Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.

 Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa song,

 Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống.

 Phải bỏ hết những gì không cần thiết,

Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình”.

Rất nhiều nhà thơ nhà văn đã kể lại đời tuổi trẻ sống nhà tập thể thí dụ như cuốn sách Tập thể cũ Hà Nội, tập hợp trong đó nhiều bài viết của các tác giả kể chuyện những năm tháng họ đã sống ở khu tập thể với những “đặc sản” như xếp hàng lấy nước, nuôi lợn trong nhà, sử dụng chung công trình phụ… Sự chật chội dễ làm nảy sinh mâu thuẫn, nhưng cũng mang đến sự gần gũi, gắn bó “tối lửa tắt đèn có nhau” mà trong cuộc sống hiện đại không dễ gì có được[2].

(A) Câu nói viết trên hí họa:” Ban ngày cả Nước lo việc nhà, Ban đêm cả nhà lo việc nước” thể hiện rõ nét nhịp sống của người dân ở những khu tập thể thời ấy, khi mà ban ngày vừa phải tham gia công tác, vừa tranh thủ từng chút thời gian lo việc nhà, ban đêm phải đối mặt với cảnh xếp hàng chờ lấy nước sinh hoạt

(B) Khu nha tập thể

(C) Đây là câu thành ngữ nói về tình trạng chạy ăn từng bữa với những tờ tem phiếu lương thực.

 Ăn uống

Nói chung thì đời sống đa số của nhân dân là “đói ăn, thiếu mặc”.Đói đến mờ mắt là một nhận định chính xác nhất để diễn tả đời sống xã hội dưới thời bao cấp[3].

Cơm thiếu, trộn toàn sắn với khoai
Một bữa thịt thôi cũng ước hoài (
Thơ Sinh Hoàng)

Ăn cơm chỉ có mắm, rau
Chớ ăn thịt cá mà đau dạ dày.

Dân đói mà đảng thì no
Sức đâu ủng hộ, hoan hô suốt ngày.

Đảng béo mà dân thì gầy
Độn bắp, độn sắn biết ngày nào thôi?

Lương chồng, lương vợ, lương con
Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm
Lương tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc khen thầm là ngon.

Ngày nay muốn trải nghiệm ăn uống thời bao cấp, chúng ta có thể đến:

  • Cửa hàng ăn uống mậu dịch số 37” tại phố Nam Tràng Hà Nội,
  • Tham dự triển lãm “Ký ức Hà Nội” (từ ngày 30/12/2018 đến 31/1/2019) tại số 70 Nguyễn Du, Hà Nội. Tại triển lãm sẽ được trải nghiêm một bữa cơm thời bao cấp, với những món ăn quen thuộc như lạc rang muối, cà pháo, rau muống, cơm độn sắn, bo bo, canh cua rau sam tập tang với câu thơ nhái thơ Nguyễn Khuyến:

Tô canh lạnh lẽo nước trong veo,
Một miếng thịt heo bé tẻo teo.

(A) “Mặt nghệt như mất sổ gạo”. Nếu chẳng may bị mất sổ gạo, tháng đó phải chạy ngược chạy xuôi lo tạm cấp, cả nhà chỉ có húp cháo loãng qua ngày, trước khi được làm sổ mới… Với tất cả những gia đình hồi đó, sổ gạo còn quý hơn vàng. Từ đó mới có thành ngữ: “Mặt như mất sổ gạo”. Cái mặt thất thần, tái xám, ngây ra là “mặt mất sổ gạo”! “Mất sổ gạo” là cụm từ chỉ sự phụ thuộc vào tem phiếu thời bao cấp. Mất sổ gạo hay mất bất kỳ loại tem phiếu nào cũng đều là thảm hoạ ( tập ký của tác giả Ngô Minh)

(B) Câu vè “Ai lên vũ trụ thì lên, Còn tôi ở lại ghi tên mua mì”, “Sao không xin gạo, xin mỳ ,Bay lên vũ trụ làm gì hỡi anh” nói lên lo âu chính của người dân là ăn và giấc mộng chính là được ăn no,

(C) Cửa hàng lương thực

Câu vè xếp hạng các thực phẩm của tem phiếu

Nhất gạo nhì rau
Tam dầu tứ muối
Thịt thì đuôi đuối
Cá biển mất mùa
Đậu phụ chua chua
Nước chấm nhạt thếch
Mì chính có đếch
Vải sợi chưa về
Săm lớp thiếu ghê
Cái gì cũng thiếu
….

Điều quan trọng nhất trong đời sống hàng ngày của người dân là lo thực phẩm, lo đói.

Phẩm-giá thời nay đã hết rồi
Chỉ còn thực-phẩm giá cao thôi
Lương-tâm cũng không bằng lương-thực
Chân-lý, chân giò… một giá thôi

Nhu yếu phẩm

Các nhu yếu phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân nên xếp hàng là một điều cần thiết để thực hiện lẽ công bằng.  Nhưng nhiều khi xếp hàng từ sáng sớm đến chiều vẫn không mua được vì đến lượt thì hết hàng, nên có câu vè trong dân gian bốn chữ X. H. C. N diễn tả thực chất của một nhà Nước theo Xã Hội Chủ Nghĩa.

Xếp hàng cả ngày
Xếp hàng cả năm
Xếp hàng chửi nhau
Xếp hàng choảng nhau
Xã Hội Chủ Nghĩa…

Bài vè và đồng dao về phân phối nhu yếu phẩm

(A) Ca dao hài ướcCứng như mo nang, Nhọn như tên lửamô tả hài nịt ngực (coóc-xê) độn nhiều vải cho cứng, nhọn là mốt một thời của phụ nữ thời bao cấp

(B) Đồng dao vui thời bao cấp, hầu như em nhỏ nào cũng thuộc, thời những chiếc xe thồ “cà tàng” không phanh vì thiếu cung cấp, thường dùng dép đạp vào lốp để phanh xe.

Xe không phanh mời anh đứng lại,
Không đứng lại làm hại người ta.
Mất tí da là ba đồng sáu,
Mất tí máu là sáu đồng tư,
Mất tí gân là gần chục bạc. 

Xếp hàng

 Văn hóa văn minh đứng xếp hàng
Mua từ lạng thịt đến hòn than…
Vải mua tem phiếu luôn luôn thiếu
Oách nhất cô mậu dịch bán hàng. (Thơ
Sinh Hoàng)

Tình trạng người dân xếp hàng dài để chờ đổi tem phiếu lấy lương thực chẳng còn gì xa lạ. Để tiết kiệm thời gian khi cần mua nhiều loại hàng hóa cùng 1 lúc thì người ta nghĩ ra cách đặt cục gạch thế chỗ để không bị mất chỗ ở cửa hàng gạo khi đang đi mua đường chẳng hạn.

(A) Bức tranh phác họa khung cảnh thời bao cấp, đàn ông được phân phối vải, giày dép và đôi khi cả áo may ô. Từ đó, dân gian có câu than của nàng Kiều rằng: “Bắt cởi trần phải cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”,

(B) Các em nhỏ cũng phải đi xếp hàng mua hàng theo tem phiếu, thường “đặt cục gạch” để đánh dấu việc xếp hàng[4]

Câu vè biểu lộ tình cảm người dân:

Ở với Hồ Chí Minh
Cây đinh phải đăng ký
Trái bí cũng sắp hàng
Khoai lang cần tem phiếu
Thuốc điếu phải mua bông.

Tình yêu

Xem video « Làm chuyện ấy » mới hiểu ngoài đói cơm, thiếu măc, nhiều người còn thiếu tình yêu. Lý do, thời đó mà biểu lộ tình yêu quá trớn như bây giờ là có thể bị bắt, bị kết tội « hủ hóa ».

Hoàn cảnh kinh tế yếu kém của miền Bắc đã ảnh hưởng tới đời sống tình cảm yêu thương của người con gái :

Bài vè về tình yêu :

Một yêu anh có may-ô
Hai yêu anh có cá khô để dành
Ba yêu rửa mặt bằng khăn
Bốn yêu bàn chải đánh răng hàng ngày
Năm yêu anh có đôi giầy
Sáu yêu anh có khăn quàng vắt vai
Bảy yêu có sắn gạc nai
Tám yêu nước mắm cả chai ăn dần
Chín yêu anh rất chuyên cần
Mười yêu anh chỉ để phần cho em.

Bài thơ yêu nhau ban đêm trong nhà tập thể

Bánh “hự (Thơ hài thời bao cấp của Học Văn)

Cái thời bao cấp đáng thương ,
Nhà ở kê đủ chiếc giường là may !
Canh khuya cu Tý ngủ say ,
Bố quàng sang mẹ : lay lay , thở phào !
Giường kêu kẽo kẹt ồn ào
Cu Tý tỉnh giấc nên gào khóc to .
Với tay mẹ vỗ , dặn dò :
“Ngủ ngoan mai mẹ mua cho bánh nào !”
Phía trên bố vẫn cao trào
Cày bừa , dọn cỏ , vét ao , be bờ .
Mẹ vừa nói được :”bánh…ơ…”
Thì chuyển thành “hự ” (bất ngờ phát ra ).

Tiếng sét ái tình trong nhà tập thể

Dành cho đi toilet công cộng nè:
Đố ai định nghĩa được chữ yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Hai người gặp mặt ở hố tiêu
Nhường nhau đi trước thế là iêu

 

Tiêu chuẩn chọn chồng

Các câu vè hài hước:

(A) Râu dài thì mặc râu dài,

Có pha vơ rít có đài đeo hông.

(B) Chồng già thì mặc chồng già,

Có phiếu Tôn Đản, có nhà ở riêng.

Diễn tả tham vọng đặt của cải lên trên hết của những cô gái trong tiêu chuẩn chọn người yêu, chọn chồng. (pha vơ rit tên xe gắn máy của Tiệp Khắc, Đài là radio, Phiếu Tôn Đản chỉ phiếu mua thực phẩm của cán bộ cao cấp tại chợ quốc doanh Tôn Đản).

Đẳng cấp xã hội theo xe

(A) “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ”. Lơ: xe đạp Pơ-giô (Peugeot – Pháp) loại xe đạp cao cấp nhất, (tốt hơn xe Thống Nhất Việt Nam và Phượng Hoàng Trung Quốc)

(B) Trong mắt cô gái xưa, chàng trai lý tưởng, “đáng mặt” đàn ông phải có đài (radio) mang theo mình và “pha-vơ-rít” (Favorite – loại xe của Tiệp Khắc cũ).

(C) Mặt rỗ đi lơ không bằng lưng gù đi cúp”. Cúp là xe máy Honda Super Cub Nhật Bản rất thịnh hành ở miền Nam trước năm 1975.

Về từ thiên đường 

Câu vè: “Đầu đội áp xuất (nồi nấu), Chân đi bàn là (bàn ủi), Trông xa cứ tưởng là ma, Lại gần thì hóa đi Nga mới về” miêu tả một người (cán bộ đi công cán, du học sinh, xuất khẩu lao động) từ thiên đàng Liên Xô đi về mang về những đồ gia dụng.

Cán bộ cao cấp

Phong cách đại cán

Câu vè:” Bụng to tràn hũ, Hay nói ba hoa, Đi xe Volga, Ăn gà Tôn Đảnmô tả về những cán bộ có tiêu chuẩn phiếu A, mua đồ tại phố Tôn Đản, Hà Nội.

Câu vè về cán bộ quan liêu.

Ngang lưng thì thắt phương châm,
Đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương.
Chân mang đôi dép lập trường,
Đi hoài chẳng biết con đường là mô.

Thủ kho

Câu ca dao:

Thủ kho to hơn thủ trưởng.
Vào nhà thủ trưởng tưởng cái kho.

phản ánh thực tế chức vụ và tham nhũng trong các cơ quan, đoàn thể. Thủ trưởng hay thủ kho đều là “cái kho”(tham nhũng) cả.

Tiếng nói người dân về cán bộ

 Tiếng nói của người dân thường được diễn tả bằng thái độ tự trào để sống[5], thí dụ như:

  • Nhắc lại chuyện tại nhà tập thể xếp hàng đi vệ sinh công công, chỉ nhường nhau chỗ xếp hàng mà yêu nhau rồi thành vợ chồng,
  • Bốn người ngủ chung một giường và làm chuyện ấy…

Giấc mơ

 Dù được sống trong xã hội lý tưởng của xã hội chủ nghĩa, người dân bình thường vẫn có 3 giấc mơ chính: Giấc mơ 4Đ, giấc mơ 4C và giấc mơ ăn no.

Giấc mơ được ăn no.

Thanh niên muốn ăn no thì đi bộ đội hoặc tranh đấu có thẻ đảng viên, thanh nữ lấy chồng cán bộ cao cấp.

Giấc mơ 4Đ

Công dân xã hội chủ nghĩa mơ đạt được 4Đ, tức là được vào “đảng”, để có thể ký cóp những khoản tham nhũng cùng hối lộ cỏn con mà tậu một chiếc xe “đạp”, một cái “đài” (radio), và một “đồng hồ” đeo tay (đảng, đạp, đài, đồng).

Giấc mơ 4C

4C là cô bán gạo, cô bán thịt, cô bán yếu phẩm, cô bán phụ tùng xe đạp. Người dân  ‘Ứớc gì sanh được 4 con trai, mỗi đứa lấy một cô bán hàng mậu dịch[6]”. Tại sao? Có 4 cô con dâu như thế là gia đình bớt phải đi xếp hàng, được ăn no, là có thể mua hàng bằng móc ngoặc, cửa sau như câu vè giải thích:

Hàng ngon nhất ngoặc không lo thiếu
Của tốt nhì thân chẳng ngại thừa.

Tại sao cán bộ lại giầu?

 Nếu thắc mắc về giai cấp cán bộ cầm quyền thì làm ca dao, câu vè, câu trào phúng “bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm”.

 Non kia ai đắp mà cao
Lương cộng sản ít cớ sao nó giàu?

 Nhà ai giầu bằng nhà cán bộ?
Hộ nào sang bằng hộ đảng viên?
Dân tình thất bát đảo điên
Đảng viên mặc sức vung tiền chơi ngông.

Công nhân, vợ ốm con côi
Lãnh đạo nhà gác, xe hơi bộn bề
Bao giờ cho hết trò hề?

Cách ăn tiền tham nhũng

 Cán bộ cao ăn cung cấp
Cán bộ thấp ăn chợ đen
Cán bộ quen ăn cổng hậu

Sapa thì ra ngoài cổng. (rẻ quá không đáng)
Sông cầu còn lâu mới ký. (Giá thấp thì đợi)

555 thì nằm cũng ký, (được giá ký ngay)
Samit nói ít hiểu nhiều.(đươc lắm biết điều)

Gia sản cán bộ

Hồ Chí Minh chỉ dạy cán bô là đầy tớ của nhân dân:

“Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân”,
“Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ”.
“Dân là chủ và dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là đầy tớ và làm đầy tớ cho dân

Nhưng trong thực tế thì cán bộ làm chủ khiến người dân bực tức thổ lộ tâm tình qua câu vè, ca dao:

Ai về qua tỉnh Nam Hà,
Xem lũ đầy tớ xây nhà bê tông.
Tớ ơi (cán bộ), mày có biết không ?
Chúng ông (nhân dân) làm chủ mà không bằng mày,

 Đầy tớ thì ở nhà lầu
Để cho ông chủ giấy dầu che mưa.

Đầy tớ thì đi xe hơi
Bố con ông chủ ra ga đợi tàu
Đầy tớ thì ở nhà lầu
Vợ chồng ông chủ gầm cầu Long Biên

 Dân đói mà đảng thì no
Sức đâu ủng hộ, hoan hô suốt ngày

Trong truyện ký “Sống thời bao cấp”, tác giả Ngô Minh cho biết: “Tôi thuộc thế hệ sinh ra, lớn lên và sống trọn vẹn trong thời bao cấp, thời của những tấn bi hài cười ra nước mắt. May mắn đất nước đã vượt qua thời ấy. Chuyện thời bao cấp bây giờ nghe như kể chuyện cổ tích. Vâng, đó chính là “cổ tích” của một thời.

Hỏi tác giả Ngô Minh có muốn trở lại thời đó không? Ông khẳng định: “Sống qua thời bao cấp, tôi mong mỏi đất nước tôi không bao giờ trở lại chế độ quan liêu bao cấp tệ hại ấy nữa. Mong mỏi. Mong mỏi và mong mỏi”.

[1] Tiệm ăn này tại phố Nam Tràng, Hà Nội, trưng bày rất nhiêu đồ vật thời bao cấp (tranh ảnh, tem phiếu, chén bát…) và bán các món ăn thời bao cấp như dưa sào tóp mỡ, canh dưa lạt, cơm độn sắn, trà đá…

[2]  Ngô Minh, tác giả “ Sống thời bao cấp, thư viện PDF.com”  kể: “ Một không gian với 28m2 có cả 4 thế hệ tứ đại đồng đường cùng sinh sống là chuyện hoàn toàn bình thường. Tiếng trẻ em khóc oe oe mỗi ngày cộng với cả mùi phân lợn, gà, chim cút… hòa lẫn với nhau trong cái không gian đầy hỗn độn. Tất cả thành viên trong gia đình đều gồng lên mà sống từ năm này sang năm khác. Sau nhà ở, nước nôi khu chung cư lại là tấn bi kịch thứ hai của Hà Nội thời bao cấp.  Từ tờ mờ sáng đã thấy hình ảnh người người nhà nhà cầm xô chậu đứng xếp hàng kéo dài hàng trăm thước trước các vòi công cộng ngoài phố. Những khu tập thể có bể tới giờ bơm nước là đông nghịt người. Kẻ tắm gội, người giặt giũ… làm xôm tụ cả một vùng không gian.

[3] Chính cái đói sinh ra hèn và mất lương tri, nẩy sinh nạn trộm cắp ngày càng tinh vi, phổ biến.  Thành phần bất lương trà trộn vào đoàn người xếp hàng tìm cách móc túi, lừa gạt, khiến nhiều người xếp hàng đã bị lấy cắp tem phiếu hay sổ gạo, gây ra cảnh khốn cùng.  Các quan tham cũng lộng hành trong giai đoạn này

[4] Nhà văn Ngô Minh mô tả :“xếp hàng mua vé xong mới xếp hàng lấy phở. Tay cầm cái vé mỏng như số phận, hàng chục cánh tay con trai con gái thò vào cái ô cửa nhỏ xíu chờ hàng giờ, cho đến khi bàn tay búp măng đeo nhẫn vàng choé của cô mậu dịch viên lạnh lùng đưa bát phở ra, không thấy mặt mũi của cô xinh xẻo ra sao, cũng đã thấy hởi lòng hởi dạ”.

[5] Tự trào   tức kể cười cợt chế nhạo như nhà văn Bảo Ninh chia sẻ “Nhiều đêm, tôi miên man nhớ lại, nhớ và cười thầm những chuyện kỳ cục, vừa khô cằn, bảo thủ vừa ấu trĩ, ngờ nghệch đến đáng thương của thời bao cấp. Khổ ải nhiều, buồn thương nhiều,

[6] Ngô Minh, tác giả “Sống thời bao cấp, thư viện PDF.com” viết: “Thời bao cấp, mậu dịch viên luôn là nghề “hot” nhất lúc bấy giờ. Những cô gái bán thực phẩm, lương thực bách hóa luôn được các chàng trai dòm ngó và săn đón. Vì làm trong nội bộ nên họ luôn được những thứ tốt nhất. Gạo sẽ được loại ngon, thịt được mua loại mông, sấn, mềm mượt. Người thân, bạn bè vì thế có thể nhờ cậy mua hàng tốt hoặc sớm, nếu muốn có thể cân đong già hơn chút đỉnh. Vậy đã là điều may mắn. Từ đó, quyền lực của các mậu dịch viên chất cao như núi”

Lạp Chúc Nguyễn Huy
Lạp Chúc Nguyễn Huy
Cựu Giảng sư Đại Học Văn Khoa Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức, bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

XEM NHIỀU NHẤT

166FansLike
0FollowersFollow
16SubscribersSubscribe

X