Phóng sự

Lễ khánh thành Tượng đài
Thuyền nhân và Tri ân Canada

Hải Phong

Giữa lúc cơn đại dịch Covid đang hoành hành trên toàn thế giới, gây ra biết bao cảnh chết chóc, tang thương, nhà tan cửa nát, thì vào ngày hôm qua 28‑08‑2021, sau một thời gian dài cách ly vì dịch bệnh, lần đầu tiên người Việt đã tụ họp trong bầu không khí trang trọng và náo nhiệt để chào mừng lễ khánh thành Tượng đài Thuyền nhân và Tri ân Canada, trong công viên Atholstan tại thành phố Mont Royal, với sự tham dự của các quan chức Canada và đồng bào Việt tại Montréal, và các vùng phụ cận. Tượng đài Thuyền nhân được ra mắt trong thời điểm mà cả thế giới đang nín thở, hướng mắt theo dõi sân bay đông nghẹt người chen lấn nhau để dành được một chỗ trên chiếc máy bay đã chật ních người, hay cố bám víu vào chiếc phi cơ đang chuyển bánh; nơi mà đoàn người tị nạn trong ánh mắt hốt hoảng, lũ lượt bồng bế nhau kéo về thủ đô Kabul của Afghanistan; nơi đang có những chiếc trực thăng tung mình cất cánh từ nóc Đại Sứ quán Hoa Kỳ; trong lúc đoàn chiến quân Taliban đang nghênh ngang đắc thắng đi lại trên đường phố thủ đô, ngang nhiên tràn vào dinh Tổng thống, sau khi Hoa Kỳ quyết định rút quân ra khỏi xứ sở này.

Hai sự kiện kể trên xảy ra gần như vào cùng một thời điểm mà thế giới đang sôi động trong bầu không khí đầy chiến tranh và khói lửa, đúng vào giữa lúc mà các hình ảnh thương đau quen thuộc đó, vẫn chưa phai mờ trong tâm khảm của người dân Việt, một lần nữa lại bồi hồi khơi dậy ký ức của những ngày tháng kinh hoàng 46 năm về trước. Phải chăng đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Hay như một định mệnh đã được sắp đặt để chúng ta phải suy ngẫm lại một sự kiện lịch sử tưởng là đã qua nhưng lại đang được tái diễn, tại một nơi khác trên trái đất nhỏ bé này?

Hôm nay, đứng trước tượng đài Thuyền nhân, có ai không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến nửa triệu đồng bào đã nằm sâu dưới lòng biển cả, không một nấm mồ, không một nén hương tưởng niệm, chỉ vì hai chữ Tự Do? Dân tộc nào cũng có một ký ức lịch sử để ghi nhớ, để tưởng niệm. Một dân tộc không ký ức lịch sử là một dân tộc không có tương lai. Nhưng ôn cố tri tân, không phải để chúng ta cứ quằn quại nhớ về một quá khứ đau buồn, để rồi ray rứt, nuôi dưỡng lòng thù hận, mà chính là để  cùng nhau hướng về tương lai tươi sáng của cộng đồng như ý nghĩa mà Tượng đài Thuyền nhân muốn chuyên chở, qua hình ảnh của người đàn bà trẻ tị nạn, kể chuyện cho con trai mình về cuộc hành trình vượt biển lịch sử mà cô đã trải qua. Phía sau người mẹ trẻ là hình ảnh con thuyền mong manh đã chở cô và hơn 100 người trốn thoát, gạt nước mắt bỏ lại sau lưng một mảnh quê hương. Xa xa phía sau là chiếc bia hình tam giác tượng trưng cho mũi con thuyền, vươn cao hướng về một ngày mai đầy hy vọng. Và nếu nhìn từ trên cao xuống, ta sẽ thấy được hình ảnh chiếc la bàn có mũi tên hướng về phía đông, vùng biển mà cả triệu người dân đã lao mình trốn chạy, và trong số đó, đã có những người không bao giờ đến được bờ bến Tự Do.

Tượng đài đã được ra mắt sau nỗ lực của tổ chức Việt Héritage Renaissance trong suốt hai năm, vừa gây quỹ vừa làm việc để được thành phố Mont Royal chấp thuận dự án sau nhiều sửa đổi, cũng như suốt 9 tháng làm việc miệt mài của các chuyên gia để hoàn thành bức tượng, trong một bối cảnh vô cùng khó khăn của cơn đại địch. Việt Héritage Renaissance không quên tri ân sự làm việc hăng say của nhà thiết kế Steven Đỗ Hòa, và hai cô con gái của ông là cô Jessica Đỗ Hoài Hương, và Celine Đỗ Hồng Hương, hai cái tên vô cùng ý nghĩa nói lên nỗi lòng thầm kín của người cha nhớ về một quê hương đã mất. Công ty Granite Lacroix cũng đã góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành tác phẩm lịch sử và nghệ thuật này.

Từ sáng sớm, trong cơn mưa mùa hè lất phất, các thiện nguyện viên trong Ban Tổ Chức (“BTC “) đã có mặt để sắp xếp nào là ghi danh, cờ, bảng tên, các bình hoa thật đẹp, và nhiều thứ linh tinh khác không kể hết.

Điểm đáng khen đầu tiên là chương trình đã được bắt đầu đúng giờ vào lúc 11h00 sáng với sự hiện diện của nhiều quan chức Canada và Québec, qua hai bài quốc ca Canada và Việt Nam, tiếp theo là một phút mặc niệm tưởng nhớ tiền nhân và các đồng bào tử nạn trên đường đi tìm Tự Do.

Ông thị trưởng Philippe Roy của thành phố Mont Royal đã khai mạc lễ khánh thành trong một bài phát biểu xúc tích và thân thiện, đã thu hút sự lắng nghe trong tâm tư lắng đọng của hàng trăm quan khách tại buổi lễ, khi ông nhắc đến biến cố đã làm rung động cả thế giới 46 năm về trước. Ông nói trong bài phát biểu: “46 năm, một thời gian khá ngắn cho một dân tộc; nhưng lại đủ dài trong một vài tình huống, để vươn lên, để ngẩng cao đầu tiến bước hướng về một tương lai tốt đẹp và thành công; cũng như để tìm được một vùng đất mới, một mái ấm mới, mà vẫn không bỏ quên quá khứ. Đó chính là trường hợp của Cộng đồng người Việt tại Québec”. Ông cũng nhắc đến những thành quả mà người Việt tị nạn đã cống hiến cho Québec và Canada, kể cả các… món ăn ngon, trong tiếng cười vui của cả hội trường. Ông nhấn mạnh rằng Tượng Đài Thuyền nhân đã là một món quà tưởng niệm không thể phủ nhận, mà Cộng đồng Việt đã dâng tặng cho thành phố Mont Royal. Ông Philippe Roy cũng không quên chào hỏi và nhắc đến sự hiện diện của các quan chức Canada và Québec trong buổi lễ khánh thành, như dân biểu liên bang Anthony Housefather và người phụ tá của ông, dân biểu Pierre Arcand của TP Mont Royal, dân biểu NPD Alexandre Boulerice, bộ trưởng kinh tế Québec Eric Girard, hai vị lãnh đạo Hạ viện liên bang: ông Pablo Rodriguez và Morair Serengulian, cùng với sự có mặt của nhiều vị cố vấn của thành phố.

Về phía cộng đồng Việt, chúng tôi cũng ghi nhận sự hiện diện của các vị cựu Chủ tịch CĐNVQG tại Montréal, quí vị Lãnh đạo Tôn giáo, cùng đại diện của nhiều Hội đoàn tại Montréal, Ottawa, mà trong khuôn khổ giới hạn của trang báo chúng tôi không thể nêu hết danh tánh của quí vị.

Sau phần phát biểu của ông thị trưởng TP Mont Royal, các đại diện của BTC, BS Dương Đình Huy, BS Cấn Thị Bích Ngọc, Ô. Võ Đức Minh, Ô. Đỗ Hữu Hoài, cũng lần lượt phát biểu về ý nghĩa, mục đích, quá trình thiết kế và thực hiện Tượng đài, đồng thời gửi lời tri ân đến các mạnh thường quân để Tượng đài được thành hình, không quên cám ơn Canada, Québec, và TP Mont Royal đã hết lòng hỗ trợ cho dự án kéo dài 2 năm trời, để hôm nay cộng đồng chúng ta có một chứng tích lịch sử, nhắc nhở con cái chặng đường khó khăn mà các bậc sinh thành đã đi qua.

Phần tế lễ cũng không thể thiếu trong mọi sinh hoạt. Và trong sự dõi mắt chờ đợi của hàng trăm quan khách, ông thị trưởng Philippe Roy đã cùng BS Dương Đình Huy cắt băng khánh thành Tượng đài trước khi các chị Bích Ngọc, chị Minh Diễm và ông Võ Đức Minh kéo bức màn lên để lộ Tượng đài trang nghiêm và mỹ thuật trong tiếng nhạc “Bonjour Việt Nam” qua tiếng hát của BS Trần Thái Hòa.

Phần đặt hoa chung quanh tượng đài cũng không kém ngoạn mục. BTC đã khéo léo kết hợp phần đặt hoa với phần giới thiệu đại diện các Hội đoàn tham dự, khi quí vị đại diện này lần lượt được xướng tên để đem từng bình hoa lên đặt dưới chân Tượng đài, khiến phần giới thiệu Hội đoàn được linh hoạt và đẹp mắt, nhờ các bình hoa được thiết kế mỹ thuật qua bàn tay khéo léo của chị Đ.T.Oanh. Chúng tôi ghi nhận sự có mặt của đại diện các Hội đoàn sau đây đã lần lượt lên dâng hoa: CĐNVQG-Montréal, hội Khuyến học và Phát huy Văn hóa, hội Y sỹ VN, hội Cassava, hội Rồng Vàng, hội Bảo vệ Di sản, Trung tâm Văn Bút Montréal, hội Cựu Tù nhân Chính trị, hội Nha sỹ, hội Sa Long Cương, hội Vui vẻ Rồng vàng, hội Dược sỹ, hội Giáo chức, hội Hướng đạo, hội Bảo tồn Văn hóa Lịch sử, hội Gia Long, Vietnamplify, Chùa Quan Âm, trường Việt ngữ Hồng Bàng và hội Yểm trợ nhân quyền, v.v.

Phần phát biểu của đại diện chính quyền cũng được tổ chức ngắn gọn sau đó, khi lần lượt các đại biểu Pablo Rodriguez, Anthony Housefather, Alexandre Boulerice, Pierre Arcand đã nói lên cảm tưởng tốt đẹp và sự cảm kích của mình về Tượng đài Thuyền nhân và Tri Ân Canada. Các diễn giả đã nhấn mạnh đến sự kiêu hãnh, đoàn kết của Cộng đồng Việt tại Canada nói chung và Québec nói riêng và cho rằng Tượng đài Thuyền nhân sẽ là một chứng tích, một dấu ấn nối liền thế hệ đi trước và các hậu duệ sau này. Các vị này cũng nhấn mạnh sự hãnh diện của đất nước Canada được tiếp nhận cộng đồng chúng ta như một thành viên của đất nước, mà họ luôn cảm kích. Đồng thời nhắc nhở chúng ta cũng cần mở rộng vòng tay để trong tương lai sẽ còn đón nhận thêm những dòng người tị nạn di tản mới đến từ những vùng đất không may mắn khác, như Canada đã mở rộng vòng tay tiếp đón chúng ta 46 năm về trước. Vâng, cộng đồng chúng tôi xin ghi nhớ điều này.

Ông Trương Công Hiếu trong dịp này cũng đã chia sẻ quá trình tìm tự do và định cư của mình tại quê hương mới. TNS Ngô Thanh Hải tuy vắng mặt cũng đã gửi điện thư chúc mừng đến BTC. Ngoài ra cũng có sự hiện diện của ông Kether Shemie, phó chủ tịch của công ty đường thủy Fednav Limited Management, là công ty đã cứu vớt được 44 thuyền nhân đến định cư tại Canada, mà hiện giờ ông vẫn còn liên lạc với một số thuyền nhân này. Đặc biệt là phần phát biểu của đại diện giới trẻ thế hệ thứ ba, dược sỹ Valérie Phan và luật sư Ý Lan Tạ, hai người sáng lập Vietnamplify, một tổ chức được lập ra để phổ biến thời sự và tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam và trên thế giới, hai cô đã nói lên cảm nghĩ về tương lai của các bạn trẻ gốc Việt tại Canada.

Trước khi bế mạc, TP Mont Royal cũng cho phép BTC có thêm thời gian 30 phút để giới trẻ VN có cơ hội đem đến cho quan khách hiện diện các màn văn nghệ đặc sắc như màn biểu diễn võ thuật, múa, đơn ca, tuy tập dợt trong thời gian gấp rút nhưng không kém phần sôi động, đã cuốn hút không những các cô chú trong cộng đồng Việt, mà quan khách Canada nhiều người cũng ở lại để thưởng thức và cổ võ các em cho đến màn trình diễn cuối cùng, với phần hợp ca Việt Nam, Việt Nam.

Đại diện BTC, các anh Dương Đình Huy, Võ Đức Minh và chị Bích Ngọc đã cám ơn và chấm dứt chương trình lúc 13h00 cùng ngày, mà số đông quan khách vẫn còn lưu luyến ở lại đến 14h00 để hàn huyên sau nhiều ngày tháng xa cách, và để chụp hình lưu niệm, với các đại biểu chính phủ.

Buổi họp mặt nào rồi cũng đến phút chia tay. Chúng tôi ra về với nhiều tâm tư hỗn độn. Chúng ta có vui không? Có chứ! Khi thấy buổi lễ Khánh thành đạt được thành quả tốt đẹp. Chúng ta có buồn không? Cũng có! Khi mà nhiều nơi trên thế giới còn đang tranh đấu với cơn đại dịch đang tàn phá ngay cả trên đất nước của chúng ta bên kia bờ đại dương. Chúng ta có hy vọng gì trong tương lai không? Cũng có luôn! Khi nhìn thấy trong buổi lễ biết bao bạn trẻ đang hăng say góp bàn tay với thế hệ đàn anh, cha chú mình trong ánh mắt chứa chan hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Nếu không biết hy vọng, thì có khác gì chúng ta đã chết ngay khi chúng ta còn sống! Thế hệ tương lai đã thành công đáng kể trong mọi lãnh vực, và đang trên đà vươn lên để làm rạng danh người Việt trên toàn thế giới. Biết đâu trong số những người trẻ hăng say đó, với một tấm lòng yêu nước do cha anh để lại, như hình ảnh người mẹ trẻ trên Tượng đài Thuyền nhân đang hun đúc vào tâm hồn các em một tấm lòng tha thiết yêu quê hương, để biết đâu một ngày nào trong đám tuổi thơ đó, sẽ có những tấm lòng sẵn sàng:

Dắt nhau về lũ con từ hải ngoại,
Dựng Cờ Vàng xây đắp lại quê hương
Cho tiếng hát lại hòa vang xóm nhỏ,
Cho rộn ràng tiếng sóng Mẹ Trùng Dương.

Hải Phong

Ghi Danh Nhận Bản Tin

Ghi danh nhận tin tức bài đăng mới nhất từ chúng tôi.

SỰ KIỆN SẮP TỚI

No Events on The List at This Time

MỚI NHẤT

183FansLike
0FollowersFollow
20SubscribersSubscribe

X